Phát triển hạ tầng số hướng tới Đô thị thông minh tỉnh Điện Biên

Thứ năm - 02/01/2025 21:11
Đô thị Thông minh là đô thị áp dụng công nghệ cao trong quản lý, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền nhằm tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân để người dân có được một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, đồng thời phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho các hoạt động chuyển đổi số tại tỉnh trên môi trường mạng an toàn, hiệu quả nhằm phục vụ cho sự phát triển, hoàn thiện hướng tới đô thị thông minh tỉnh Điện Biên. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã ban hành các chính sách quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng hướng tới đô thị thông minh: Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 29/06/2021 về chủ trương đầu tư dự án"Xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng cho hệ thống mạng của các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên"; Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 29/6/2021 về chủ trương đầu tư dự án "Xây dựng nền tảng công nghệ thành phố thông minh tỉnh Điện Biên"; Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 29/6/2021 về chủ trương đầu tư dự án "Xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Điện Biên".
          Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và thực hiện thành công các dự án lớn mang tính đột phá quan trọng để xây dựng chính quyền điện tử hướng tới đô thị thông minh. Đến nay hạ tầng nền tảng cơ bản đảm bảo để triển khai các nền tảng số: Sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 95% khu vực có dân cư sinh sống; Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,7% cấp thôn/bản; Tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định ước đạt 73.000 thuê bao đạt tỷ lệ trên 52% hộ gia đình có kết nối Internet; Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 72%. Toàn tỉnh hiện có 43 doanh nghiệp công nghệ số; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số trên 86%; doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 98,9%.
          Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh được duy trì đảm bảo kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đến thời điểm hiện tại 100% các ứng dụng có dữ liệu dùng chung của tỉnh được kết nối, sử dụng qua trục nội tỉnh, trên 80% số dịch vụ dữ liệu có trên trục Quốc gia được tỉnh đưa vào sử dụng chính thức.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo nghành nhấn nút khai trương hệ thống Camera giám sát tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Quảng)
          Triển khai nền tảng công nghệ thành phố thông minh (IOC) bao gồm hạ tầng thiết bị hiện có 66 máy chủ, 28 thiết bị mạng, 07 thiết bị lưu trữ cỡ lớn, 12 hệ thống bảo mật an toàn thông tin; Hệ thống Camera giám sát, xử phạt vi phạm giao thông thông minh có 19 thiết bị; Camera đo đếm lưu lượng phương tiện có 6 thiết bị; 11 Camera quan sát tầm cao; 34 Camera nhận diện khuôn mặt và phát hiện đám đông; 74 Camera giám sát an ninh. App ứng dụng Đô thị thông minh Điện Biên Smart để người dân tương tác với chính quyền đã có 61.000 tài khoản đăng ký sử dụng. Ngoài ra còn có các hệ thống điều hành tập trung tâm IOC, Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường đã có 243 phản ánh của người dân gửi đến chính quyền, Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng, hệ thống phòng, chống mã độc tập trung toàn tỉnh và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Kết quả trong thời gian qua đã: Xử lý 4.551 Máy tính bị nhiễm virus; 9.966 tập tin nhiễm mã độc được xử lý; ngăn chặn và xử lý 3.072 kết nối nguy hiểm đến các hệ thống của tỉnh; phát hiện và xử lý 12.098 lỗ hổng phần mềm; phát hiện, ngăn chặn 183.565 cuộc tấn công mạng vào các phần mềm dùng chung, Cổng/Trang TTĐT. Hệ thống Cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã được xây dựng theo ngành, lĩnh vực như: Nội vụ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào Tạo, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; xây dựng dữ liệu nền địa lý GIS, Cổng dữ liệu mở, CSDL lưu số hóa hồ sơ TTHC, CSDL văn bản điện tử.
Với những nỗ lực đó, nhiệm vụ Chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; năm 2021, tỉnh Điện Biên xếp hạng thứ 37/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số tăng 7 bậc so với 2020; năm 2022, xếp hạng thứ 35/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số, tăng 2 bậc so với năm 2021.
Theo ông Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng phòng Chuyển đổi số - Sở Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2026-2030, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các dự án tiếp theo nhằm duy trì hoàn thiện, mở rộng hạ tầng nền tảng cùng các ứng dụng để hoàn thiện Đô thị thông minh, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho chuyển đổi số; phát triển chính quyền số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; triển khai mở rộng các nền tảng số đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đầu tư mở rộng các phân hệ của Đô thị thông minh; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, làm giàu cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, hướng tới hình thành và sử dụng rộng rãi dữ liệu mở; duy trì đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng.

Tác giả: Tin : Tuệ Linh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây