Đưa lịch sử đến gần hơn với du khách

Thứ bảy - 06/04/2024 10:37
ĐBP - Hơn 15 năm gắn bó với công việc thuyết minh tại Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là bấy nhiêu năm chị Lò Thị Thủy, người con gái Thái của mảnh đất Mường Phăng đã nỗ lực để giữ lửa đam mê với nghề và thổi hồn vào từng câu chuyện lịch sử ở mảnh đất linh thiêng này.
Đoàn du khách lắng nghe tình nguyện viên Quàng Thị Hương Giang thuyết minh về Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chị Thủy trải lòng: Sinh ra và được mảnh đất Mường Phăng nuôi dưỡng trưởng thành; từ nhỏ tôi đã mơ ước lớn lên được kể những câu chuyện về mảnh đất lịch sử này. Sau tốt nghiệp THPT, khi nghe thông tin tuyển thuyết minh viên (TMV), tôi đã nộp hồ sơ. Giờ đây, từng hiện vật, lán trại, hầm hào, mỗi gốc cây cổ thụ đã in sâu vào tâm trí và chị Thủy cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã dẫn bao nhiêu đoàn vào thăm Khu di tích.

Chị Thủy bộc bạch, đến Mường Phăng nhiều người có suy nghĩ TMV chỉ là nói lại một câu chuyện, nghe nhiều lần sẽ nhàm chán. Điều đó không đúng, bởi để thuyết mình tốt, vừa đảm bảo yếu tố bí mật, an toàn cần có kỹ năng, nghiệp vụ. Để có thể làm tròn vai của một TMV, bản thân mình phải tự rèn luyện, thường xuyên trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh. Thế nên, từ những ngày đầu chập chững bước vào nghề, chị Thủy đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tìm cho mình phương thức thuyết minh truyền cảm, xúc động; đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn, đào tạo... Đặc biệt, du khách đến Khu di tích đa dạng về độ tuổi, từ các cựu chiến binh (CCB), thanh niên, học sinh trình độ khác nhau, chị phải chọn lọc phương pháp truyền đạt phù hợp với từng độ tuổi, nhu cầu tìm hiểu của du khách.

Du khách trò chuyện, tìm hiểu thông tin về Sở chỉ huy qua TMV.

Khi hỏi về những khó khăn trong nghề, chị Thủy cười và bảo: “Đây là nghề nghiệp đặc biệt, tôi phải nói nhiều và nói liền mạch, hấp dẫn và thuyết phục. Lúc cao điểm, mỗi ngày phải dẫn đến 6 - 7 đoàn khách vào tham quan. Vì nói nhiều nên ai cũng mắc bệnh viêm họng, nên hành trang bên mình luôn phải kèm theo một chai nước muối. Bây giờ thì đỡ nhiều vì các TMV được cấp một chiếc loa, nhưng lúc tôi mới vào nghề có khi cả tuần nói không ra tiếng”.

12 giờ trưa, tiết trời tháng 3 oi bức, nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại, nhưng cô gái trẻ Quàng Thị Hương Giang, tình nguyện viên tại Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn ân cần dặn các CCB ngồi nghỉ ngơi, rồi rót nước đưa tận tay mỗi bác. Giang bộc bạch “Em rất xúc động, dù tuổi cao, sức yếu nhưng các bác CCB vẫn lên với Mường Phăng. Quãng đường đi bộ trong Khu di tích xa, nhưng các bác vẫn rất hào hứng, lắng nghe từng chi tiết em thuyết minh... Nhiều bác không cầm được nước mắt”.

Du khách tham quan Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, năm 2022 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành du lịch (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam), Quàng Thị Hương Giang đã tình nguyện đăng ký làm TMV tại Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Giang tâm sự: Dù học chuyên ngành du lịch, nhưng những ngày mới chập chững vào nghề, em gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhờ các chị đi trước hướng dẫn, em đã cố gắng học hỏi, tìm hiểu kiến thức về Sở chỉ huy, rồi tập luyện từ khả năng giao tiếp, dáng đứng đến giọng nói cho trôi chảy, lưu loát để thuyết minh cho du khách dễ nghe. Không chỉ có vậy, em còn phải tự cập nhật kiến thức, lắng nghe ý kiến đóng góp của du khách, nhất là các bác CCB.  

Tại mảnh đất Mường Phăng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng cơ quan đầu não của quân đội - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, để làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. “Học thuộc không phải là giải pháp hữu hiệu. Vậy là, em đã chọn cách đọc - hiểu. Vừa đọc, vừa tìm hiểu, vừa ghi lại những vấn đề quan trọng, lập thành sơ đồ tư duy cho bản thân, giúp em tự tin hơn khi thuyết minh về Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như những hiện vật, tranh, ảnh được trưng bày tại phòng trưng bày, giới thiệu sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - Giang chia sẻ kinh nghiệm.

Đến với Mường Phăng chủ yếu là các bác CCB đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

CCB Phạm Phú Bằng, TP. Đà Nẵng xúc động chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến với mảnh đất Mường Phăng lịch sử. Bản thân là CCB, đã để lại một phần thân thể ở chiến trường, nhưng khi nghe câu chuyện về Mường Phăng qua lời kể của các TMV tôi rất xúc động, tự hào và cảm nhận được công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sự hi sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”.

Lò Thị Thủy, Quàng Thị Thu Vân, Lò Thị Hà, Quàng Thị Hương Giang, Cà Thị Minh những “nàng ban” đang khoe sắc giữa rừng Đại tướng... Bằng tất cả trái tim, họ đã và đang gửi lòng mình vào từng câu chữ đưa du khách ngược dòng thời gian trở về quá khứ, để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh đã làm nên chiến thắng lịch sử. Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Việc lựa chọn các TMV, tình nguyện viên tại Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thực hiện kỹ càng, đúng quy định, các TMV phải đáp ứng nhiều yếu tố như: Kỹ năng giao tiếp với đám đông, nắm bắt được tâm lý người nghe, khả năng giải quyết tình huống linh hoạt, khéo léo và phải có kiến thức chuyên sâu về văn hóa, lịch sử của địa phương và dân tộc... Mặc dù còn nhiều khó khăn như chưa có chế độ đãi ngộ, đội ngũ TMV, tình nguyện viên còn thiếu, nhất là vào những dịp cao điểm Lễ hội Hoa Ban, 7/5… Nhưng đội ngũ TMV vẫn luôn nỗ lực kiên trì, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc. Qua đó, việc đón tiếp tại Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã nhận được sự phản hồi tích cực từ du khách về tính chuyên nghiệp, kiến thức tốt, cách diễn đạt khoa học, ngôn ngữ chuẩn mực và thái độ niềm nở, thân thiện.



 

Tác giả: Bài, ảnh: Sầm Phúc

Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây