Từ kinh nghiệm hoạt động nhiệm kỳ 2011 - 2016, triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND các cấp tỉnh Điện Biên
Giàng Thị Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 29/03/2016 20:29
ĐBP - Năm 2016, năm kết thúc nhiệm kỳ hoạt động của HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới 2016-2021 với một khí thế mới: Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Sau 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND các cấp trong tỉnh đã tiếp tục được củng cố, hoàn thiện về tổ chức và bộ máy, phương thức hoạt động và thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới, trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay và qua thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp thì những vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ 2016-2021 khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương là hết sức quan trọng, như: Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND; chất lượng hoạt động giám sát của HĐND; chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phương thức hoạt động của HĐND khi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó hoạt động của Thường trực HĐND, hoạt động của các ban HĐND, hoạt động của tổ đại biểu HĐND; mối quan hệ giữa các cơ quan trong HĐND, giữa cơ quan HĐND với UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn. http://www.baodienbienphu.com.vn/sites/default/files/TS-so2797%20%283%29.jpg Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trao đổi với cử tri bản Dền Thàng, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé trong chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII. Ảnh: Phạm Trung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương; đã kế thừa những nội dung hợp lý, đồng thời sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tới, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên xác định một số vấn đề trọng tâm như sau: Một là: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của HĐND và phát huy vai trò của Thường trực HĐND. Vai trò và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hết sức quan trọng góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Thực tế cho thấy ở nơi nào có sự quan tâm và có phương thức lãnh đạo phù hợp thì nơi đó HĐND phát huy được vai trò và hoạt động đạt hiệu quả cao. Sự lãnh đạo của Đảng từ việc quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ kế cận để tham gia Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND; công tác hiệp thương, lựa chọn người ứng cử đại biểu HĐND; phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND để bảo đảm HĐND phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Thực tế đã chứng minh chất lượng đại biểu HĐND quyết định rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; do đó, để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND khóa mới, trong điều kiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tăng cường đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (11-15 đại biểu) thì vai trò của Thường trực HĐND trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND của cấp mình cho phù hợp thực tế cũng như quy định của Trung ương, cơ cấu đại biểu nữ bảo đảm từ 30-35%, các cơ cấu khác phấn đấu: đại biểu trẻ tuổi không dưới 15%, đại biểu ngoài đảng không dưới 10%. Việc bố trí nhân sự lãnh đạo các ban của HĐND chuyên trách: Trưởng ban, phó trưởng ban phải là phó giám đốc sở, ngành hoặc cán bộ cấp trưởng phòng tỉnh trở lên. Hai là: Nghị quyết của HĐND đảm bảo tính khả thi. Các nghị quyết của HĐND phải cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp Luật của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Để quyết định đúng, trách nhiệm của Thường trực HĐND cần phối hợp với UBND, các ban HĐND dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp và phân công các ban HĐND thẩm tra các nội dung báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh trình tại kỳ họp; các ban HĐND chủ động khảo sát, thu thập thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra, định hướng cho các đại biểu HĐND tại các kỳ họp; công tác điều hành kỳ họp, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, dân chủ. Ba là: Nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND. Giám sát là một trong những chức năng cơ bản của HĐND, nhằm bảo đảm pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND được thực hiện đúng đắn, thống nhất và hiệu quả, đồng thời phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót. Mục đích giám sát của HĐND là để việc thực thi quyền lực của các cơ quan Nhà nước đảm bảo đúng chính sách, pháp luật, nghị quyết của cấp ủy, của HĐND. Qua hoạt động giám sát, HĐND các cấp kiểm chứng tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của các quyết nghị được thông qua, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan chấp hành, kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn, những tồn tại, hạn chế để kiến nghị, đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung chính sách hiện hành hoặc ban hành chính sách, chủ trương mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND đã được Quốc hội ban hành, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho hoạt động giám sát của HĐND đạt hiệu lực, hiệu quả. Bốn là: Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đến với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Thực tế hiện nay hoạt động tiếp xúc cử tri chưa được thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung vào trước và sau kỳ họp của HĐND, một số đại biểu chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, do đó việc nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin để có thể tiếp thu, trả lời giải đáp các nội dung cử tri quan tâm còn hạn chế. Do đó, công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư và giám sát giải quyết các khiếu nại, tố cáo của HĐND cần được tiếp tục quan tâm, thực hiện như: Duy trì lịch tiếp công dân hàng tháng, hàng quý; sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND để cùng tiếp công dân... Năm là: Về triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ 1/1/2016 , theo đó, đã xác định rõ địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, khẳng định: HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên - HĐND quyết định các vấn đề của địa phương; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là sự kiện có ý nghĩa chính trị lớn của đất nước ta trong năm 2016, ngày hội của toàn dân, liên quan tác động trực tiếp đến hoạt động của HĐND, thường trực HĐND các cấp. Thực hiện quy định của luật, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện; tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng các phương án về nhân sự, chuẩn bị các bước tiến tới bầu cử vào ngày 22/5/2016 thành công tốt đẹp.
Tác giả: Giàng Thị Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh