DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 29/03/2016 20:45
Giờ lên lớp của giáo viên, học sinh Trường THPT Phan Đình Giót, TP. Điện Biên Phủ
Điện Biên TV - Là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giảng dạy, hiện nay, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông (THPT) đang được ngành Giáo dục – Đào tạo đặc biệt quan tâm. Thông qua hướng nghiệp, không chỉ giúp học sinh hiểu để lựa chọn cho mình ngành phù hợp với sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của xã hội mà còn giúp các em đạt kết quả cao ở kỳ thi vào các trường chuyên nghiệp, nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” từ năm học 2014 – 2015 thì việc hướng nghiệp càng trở nên quan trọng hơn.
Đến Trường THPT Phan Đình Giót, TP. Điện Biên Phủ những ngày đầu tháng 3, chúng tôi thấy rõ việc dạy và học sôi nổi của thầy trò nhà trường. Bên cạnh các tiết học chính khóa, giáo viên còn lồng ghép việc hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em hiểu rõ tầm quan trọng trong chọn đúng ngành, nghề cho tương lai. Cô Lê Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Việc hướng nghiệp cho học sinh được Sở Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo ngay từ đầu các năm học. Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp để lên kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp, phân công mỗi thầy cô giáo có nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh. Việc hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên trong cả năm học nhưng trọng tâm là tháng 2, tháng 3. Giáo dục hướng nghiệp được xem như môn học chính khóa, tuy nhiên, giáo viên có thể điều chỉnh thời khóa biểu, sao cho phù hợp. Trong các buổi học, tiết dạy hướng nghiệp, bên cạnh việc tìm hiểu thông tin của học sinh về nguyện vọng, năng lực, khối thi, ngành thi để tư vấn cho các em, giáo viên có thể dẫn học sinh đi tham quan thực tế một số trường học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, để tạo sự hứng thú cho học sinh cũng như để tiết học hướng nghiệp mang lại hiệu quả, có những năm học nhà trường còn tổ chức các buổi gặp mặt, nói chuyện giữa học sinh với cán bộ giảng dạy các trường đại học các tỉnh khu vực phía Bắc để các em có thêm thông tin định hướng cho việc chọn trường. Năm học 2014 – 2015, Trường THPT Phan Đình Giót đặt chỉ tiêu 90% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, song kết quả chỉ đạt 83%. Chính vì thế, năm học 2015 – 2016, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác giảng dạy và định hướng hướng nghiệp. Cô Hà cũng nhấn mạnh: Là năm thứ 2 Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi, nhà trường rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mới, nhất là trong định hướng ngành nghề cho học sinh, bởi năm học vừa qua, nhiều em trong khi năng lực học yếu nhưng chọn trường chất lượng cao nê không đậu. Năm học này, trường có 185 thí sinh khối 12 bước vào giai đoạn “vượt cạn”; trong đó, 97 em đăng ký thi vừa xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm xét vào các trường đại học, cao đẳng. Hy vọng với nỗ lực của thầy cô giáo, học sinh sẽ có cách nhìn nhận khách quan và chọn cho mình ngành nghề phù hợp với bản thân. Hướng nghiệp là việc làm quan trọng, không chỉ giúp học sinh hiểu, nhìn nhận năng lực bản thân một cách khách quan mà còn giúp các em có bước đi vững trên con đường sự nghiệp sau này, nhất là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa. Cô Trần Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Can, huyện Điện Biên Đông, cho biết: Năm học này, trường có gần 300 học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Trước những đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi chung này, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch ôn luyện, định hướng nội dung giảng dạy cho giáo viên; trong đó chú trọng ôn tập kiến thức cho học sinh bám sát chương trình lớp 12 và định hướng nghề nghiệp. Theo cô Hoa, hiện nay, hoạt động giáo dục hướng nghiệp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình học chính khóa trong trường THPT. Trong giờ học, giáo viên sẽ giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực nghề. Chính vì thế, thời gian qua, nhà trường luôn quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp, nắm bắt kịp thời những nguyện vọng, sở thích, khuyến khích, động viên các em thi vào các trường chuyên nghiệp theo khả năng của mình. Tuy nhiên, cô Trần Thị Hoa cho rằng, việc thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa do thiếu giáo viên hướng nghiệp chuyên môn nên giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ, phục vụ hoạt động giảng dạy hướng nghiệp ở nhiều trường còn thiếu thốn, học sinh chưa quan tâm nhiều đến việc học... Để học sinh có nhìn nhận đúng về ngành, nghề, ngoài việc thông qua các giờ hướng nghiệp của giáo viên nhà trường, vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp nâng cao chất lượng các môn thi THPT quốc gia năm 2016 đối với các trường THPT, trung tâm GDTX năm học 2015 - 2016 để thầy cô giáo có thêm kinh nghiệm nhìn nhận, đánh giá khách quan năng lực của từng học sinh, hơn nữa, cũng giúp giáo viên các trường THPT bồi dưỡng kỹ năng, bổ sung kiến thức trong công tác giảnh dạy, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.