Cải cách hành chính: Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo

Thứ tư - 24/10/2018 13:35

Cải cách hành chính: Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo

DIC - Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch hành chính công với mục tiêu đặt ra đó là lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo CCHC.
/uploads/news/2018_12/2_1_1.jpg Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Trên tinh thần đó, 19/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 10/10 UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã hoàn thành việc thực hiện rà soát thủ tục hành chính (TTHC) trong năm 2018. Qua rà soát có 38 TTHC kiến nghị giữ nguyên; 21 TTHC thôi không rà soát do văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC hết hiệu lực thi hành, đã được thống kê công bố mới theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; 26 TTHC kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi, bổ sung. Đối với nhóm TTHC, quy định có liên quan về lĩnh vực giao thông vận tải qua rà soát 18 TTHC đều được đề xuất theo hướng giảm thời hạn giải quyết TTHC. Cụ thể, Sở Giao thông vận tải kiến nghị giảm thời hạn giải quyết đối với 5 TTHC từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; 1 TTHC giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ). Theo ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, việc giảm thời hạn giải quyết đối với các TTHC, như: chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của quốc lộ đang khai thác; cấp phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác… sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi làm TTHC cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời tăng cường trách nhiệm đối với cơ quan giải quyết TTHC. Đối với nhóm TTHC, quy định có liên quan về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, qua rà soát Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ TTHC đối với việc cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Lý giải điều này, ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đề xuất bỏ thành phần hồ sơ “tài liệu chứng minh nội dung thay đổi trong trường hợp thay đổi thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký” là vì đã có biên bản kiểm tra điều kiện tại cơ sở trước khi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y theo quy định về quản lý thuốc thú y. Việc bỏ thành phần hồ sơ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân khi thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y. Hay trong lĩnh vực tư pháp, cấp huyện và Sở Tư pháp đều thống nhất đề xuất theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời hạn giải quyết đối với 12 TTHC liên quan. Trong đó, đối với TTHC đăng ký lại khai sinh được đề xuất thời hạn giải quyết trong ngày làm việc (nếu hồ sơ đã đầy đủ thành phần phải nộp và xuất trình), trường hợp phải có văn bản xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 3 ngày làm việc (không tính thời gian gửi văn bản yêu cầu xác minh và thời gian gửi văn bản trả lời xác minh qua hệ thống bưu chính). Mới đây nhất, ngày 05/10/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vị quản lý của Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên, theo đó Sở TT&TT có 42 thủ tục hành chính, cắt giảm 8 thủ tục hành chính so với các quyết định công bố, chuẩn hóa trước đây. Đồng thời giảm thời hạn giải quyết từ 1 ngày đến 10 ngày đối với 23 TTHC, cá biệt TTHC "Cấp giấy phép hoạt động bưu chính" được giảm thời hạn giải quyết từ 30 ngày xuống còn 15 ngày. Không chỉ nỗ lực trong việc rà soát các TTHC, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách TTHC. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 TTHC; trong đó hơn 700 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cổng trang thông tin của cơ quan nhà nước. Hệ thống một cửa điện tử đã đã được đầu tư xây dựng với 12 cơ quan triển khai (Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Y tế, 9/10 UBND cấp huyện. Qua đó đã mang lại hiệu quả trong công tác CCHC, giảm thiểu thời gian xử lý công việc cho cán bộ tiếp nhận và thụ lý, thống kê và quản lý hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết các TTHC; đồng thời cung cấp các công cụ giúp người dân có thể dễ dàng tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua hệ thống mã vạch đặt tại bộ phận “một cửa”. Trong năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã công khai TTHC đầy đủ, đúng quy định tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC. 100% số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại 3 cấp chính quyền của tỉnh được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh được thực hiện theo cơ chế “một cửa”; từ 25 - 30% TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp; trên 30 TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông giữa các cấp chính quyền... Nhằm theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm, đẩy mạnh công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đẩy mạnh CCHC của tỉnh; cuối tháng 7 vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xác định chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Theo đó, đề án sẽ xác định mức độ quan trọng, ưu tiên của từng lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần để chấm điểm đánh giá, khuyến khích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC trên từng lĩnh vực, tiêu chí; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo CCHC cũng như nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ./.

Tác giả: Bài, ảnh: Minh Thùy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây