DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 12/11/2015 02:06
Nhân viên kỹ thuật Trung tâm CNTT&TT, Sở TT&TT khắc phục sự cố máy chủ.
DIC - Số hóa dữ liệu là biện pháp tối ưu để lưu trữ, truy xuất, chia sẻ thông tin và tìm kiếm dữ liệu, góp phần giảm chi phí quản lý và không gian lưu trữ. Số hóa dữ liệu giúp chúng ta dễ dàng chỉnh sửa, tái sử dụng và chuyển đổi sang các dạng tài liệu số khác.
Ngày nay, ứng dụng CNTT dưới dạng dữ liệu số trong các cơ quan Nhà nước mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý, trao đổi và điều hành công việc, như: Tránh mất mát, nhàu nát tài liệu, giảm không gian lưu trữ và thời gian tìm kiếm; lưu trữ và quản lý vĩnh viễn; tăng cường khả năng bảo mật thông tin; chi phí vận hành và quản lý thấp… Trong thời gian qua, nhiều cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra tình trạng hỏng hóc thiết bị CNTT và mất dữ liệu lưu trữ. Theo thông tin của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên: Trong tháng 9/2013 và tháng 7/2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã xảy ra sự cố về máy chủ dẫn đến mất toàn bộ dữ liệu lưu trữ các văn bản đến/đi của cơ quan đã được số hóa. Cũng trong tháng 7/2015, UBND huyện Điện Biên Đông cũng xảy ra trường hợp tương tự. Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Điện Biên Đông cho biết "Chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân vì sao dữ liệu trên máy chủ bị xóa hết, việc này đã làm ảnh hưởng đến tài sản và làm ngừng trễ công việc của huyện trên hệ thống phần mềm". Hầu như các đơn vị đều không biết nguyên nhân xảy ra sự cố và mất dữ liệu như trên. Theo Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, tình trạng mất an toàn dữ liệu số trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên do một số nguyên nhân cơ bản sau: Một là, các cơ quan chưa quan tâm đến việc đảm bảo an toàn dữ liệu số. Do đó, chưa có phương án đảm bảo an toàn dữ liệu số. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT còn thiếu, đa số làm việc kiêm nhiệm, trình độ và kinh nghiệm còn hạn chế, chưa tham mưu phương án đảm bảo an toàn dữ liệu số trong cơ quan. Hai là, hiện tại các máy chủ cài đặt chương trình hỗ trợ truy cập từ xa, nhưng việc kiểm soát truy cập chưa được quản lý chặt chẽ. Một số máy chủ không cài đặt mật khẩu hoặc đặt mật khẩu không an toàn. Ba là, đa số các máy chủ không được cài đặt phần mềm diệt virus, dễ bị virus lây nhiễm và phá hoại. Bên cạnh đó, các thiết bị không thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng, phát hiện hư hỏng để thay thế cũng là nguyên nhân cơ bản của việc mất an toàn dữ liệu. Như vậy, có thể thấy các sự cố hỏng hóc, mất mát dữ liệu chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan gây ra. Để hạn chế tối đa xảy ra các trường hợp tương tự, các cơ quan cần khẩn trương thực hiện một số biện pháp sau: Xây dựng và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sử dụng, khai thác phần mềm đảm bảo đúng người, đúng nhiệm vụ; thực hiện nghiêm cơ chế quản trị và phân quyền cho từng bộ phận, cá nhân; xây dựng các quy chuẩn về cài đặt, thiết lập mật khẩu an toàn cho cho máy chủ, định kỳ đổi mật khẩu và đặc biệt không thao tác đăng nhập trước mặt người lạ. Hạn chế truy nhập từ xa, trang bị hệ thống tường lửa, phần mềm diệt virus...