DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 02/12/2015 03:40
DIC-Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả bước đầu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, phát triển kinh tế, xã hội.
Hạ tầng CNTT được đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã có mạng LAN, được kết nối Internet tốc độ cao; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt trên 95%; một số cơ quan sử dụng phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành, cung cấp thông tin và các dịch vụ công trên cổng/ trang thông tin điện tử và mạng nội bộ; 95% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và 100% các cơ quan Nhà nước cấp huyện đã được trang bị các phần mềm có chức năng quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống hội trường, phòng họp trực tuyến được đầu tư xây dựng, bước đầu sử dụng phát huy hiệu quả. Trên 75% cán bộ công chức, viên chức cơ quan Nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CNTT và trên 90% CBCC, VC sử dụng máy tính trong công việc. /uploads/news/2015_12/img_8030.jpg Đoàn Kiểm tra tình hình ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh làm việc với UBND TP Điện Biên Phủ (ảnh: Xuân Dũng). Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT tỉnh Điện Biên năm 2015 (VietNam ICT Index 2015) tiếp tục giảm so với các năm trước và đứng cuối cùng trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể: Môi trường tổ chức - chính sách xếp thứ 63/63 (Giảm 5 bậc so với năm 2014); Hạ tầng kỹ thuật CNTT xếp thứ 55/63 (Giảm 01 bậc); Ứng dụng CNTT xếp thứ 60/63 (Tăng 03 bậc); Hạ tầng nhân lực xếp thứ 59/63 (Tăng 01 bậc); Sản xuất kinh doanh xếp thứ 52/63 (Tăng 02 bậc). Nguyên nhân dẫn việc tụt giảm thứ hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT: Do đặc thù là một tỉnh miền núi, có những hạn chế về phát triển kinh tế xã hội. Nhiều xã còn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường truyền Internet; Quản lý nhà nước về công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, thống nhất; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin chưa gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính, cải tiến lề lối làm việc; Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của CNTT; Nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự tích cực triển khai ứng dụng CNTT, mang tính rời rạc, không liên kết thành hệ thống; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, yếu kém; đầu tư xây dựng, phát triển CNTT chưa được quan tâm đúng mức; Cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin còn thiếu, đa số làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trình độ chưa đồng đều. Chưa có chế độ chính sách ưu đãi cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin nên chưa thu hút đủ đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công nghệ thông tin về làm việc, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin. Để cải thiện chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT giai đoạn tiếp theo, từng bước hoàn thiện, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Điện Biên cần một số giải pháp trọng tâm như sau: Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý đối với phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Người đứng đầu các cấp, các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển và ứng dụng CNTT như chính sách đầu tư tài chính xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung, kinh phí chi thường xuyên để duy trì hệ thống CNTT tại các cơ quan, đơn vị; chính sách bố trí biên chế cán bộ chuyên trách CNTT, thu hút nguồn nhân lực CNTT. Ba là, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại, công nghệ tiên tiến từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo đồng bộ, kết nối liên thông. Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và hiệu quả. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, 4 cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước của tỉnh thông qua Hệ thống thư điện tử công vụ hoặc phần mềm quản lý và điều hành, ứng dụng chữ ký số; xây dựng các cơ sở dữ liệu về công dân, đất đai, tài nguyên môi trường và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm là, tăng cường đầu tư thiết bị phần cứng, phần mềm an toàn an ninh thông tin cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức bảo đảm an ninh thông tin cho CBCC, VC. Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng có hiệu quả các hệ thống CNTT đã triển khai; tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết, khai thác, sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Bảy là, Thường xuyên kiểm tra, tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, gắn công tác ứng dụng CNTT với Chương trình Cải cách hành chính và công tác thi đua khen thưởng./.