Giá trị của Chính phủ điện tử qua các Website

Chủ nhật - 08/09/2013 20:22

Giá trị của Chính phủ điện tử qua các Website (Hình ảnh minh hoạ)

Giá trị của Chính phủ điện tử qua các Website (Hình ảnh minh hoạ)
DIC - Việc xây dựng, duy trì hoạt động và cung cấp thông tin trên cổng, trang thông tin điện tử (website) là nỗ lực của các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc sử dụng và khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin. Đây là việc làm nhằm tạo ra một phương thức mới trong quan hệ giữa chính quyền với "khách hàng" của mình là công dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Xu thế "hướng đến công dân" thông qua các Website đang tạo ra một phương thức hoạt động mới của các cơ quan hành chính Nhà nước, trong nỗ lực cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) ở Việt Nam.
Những giá trị đóng góp của website trong các cơ quan hành chính Nhà nước mang lại là gì? Thứ nhất, là giá trị về cung cấp thông tin giới thiệu: Hầu hết các Website của các cơ quan hành chính Nhà nước đã cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản về lịch sử hình thành, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình. Bên cạnh đó còn cung cấp các thông tin về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, truyền thống, tiềm năng kinh tế, danh lam thắng cảnh và du lịch…Đặc biệt là giá trị của các thông tin về phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, của ngành, lĩnh vực phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Việc làm này đang trở thành nguồn lực mang lại giá trị mới cho cộng đồng và xã hội, làm cho những công việc của chính quyền trở nên gần gũi hơn với cộng đồng. Thứ hai, là giá trị từ những nỗ lực hướng đến cộng đồng của chính quyền: Các Website là nơi cung cấp thông tin đầy đủ về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Có thể thấy đây là giá trị lớn nhất của các Website trong thời điểm hiện nay. Thông qua các chuyên mục "văn bản quy phạm pháp luật" hay "văn bản chỉ đạo điều hành" trên các Website, các tổ chức và cá nhân có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin về các văn bản một cách thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, các Website cũng là phương tiện đắc lực trong việc hướng dẫn, công khai và thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên mạng. Những giá trị trên đã góp phần làm cho công dân hiểu và thực hiện quyền giám sát của mình đối với những hoạt động của chính quyền. Thông qua thông tin, người dân và các tổ chức cũng biết để tuân thủ, chấp hành những quy định của pháp luật. Thứ ba, là những giá trị mà người dân có thể nhận được thông tin từ các thủ tục hành chính từ Chính phủ điện tử: Thông qua giá trị này, người dân được hướng dẫn cụ thể, chi tiết về những quy định, quy trình, hồ sơ và nội dung biểu mẫu liên quan đến từng loại thủ tục hành chính. Được giám sát toàn bộ quy trình thực hiện thông qua các dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan Nhà nước cung cấp trên mạng. Được cung cấp thông tin về những vấn đề vướng mắc thường gặp thông qua các chuyên mục "Những câu hỏi thường gặp", thậm chí còn được trao đổi, đối thoại trực tiếp với chính quyền thông qua các chuyên mục "Hỏi - đáp", "giao lưu trực tuyến"… Thứ tư, là những giá trị mà các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có thể nhận được từ Chính phủ điện tử: Đó là những thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư, cơ hội kinh doanh và các chính sách, ưu đãi; sự hỗ trợ của chính quyền. Các thông tin về chủ trương, chính sách phát triển các lĩnh vực, ngành nghề, thu hút đầu tư. Thông tin hướng dẫn các quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, môi trường… Thứ năm, là giá trị của CPĐT đối với cơ quan hành chính nhà nước: Những thông tin do các cơ quan Nhà nước cung cấp trên Website cũng có giá trị tác động trở lại chính các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là nơi cung cấp các thông tin cập nhật về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ tất cả cán bộ công chức của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Là phương tiện hữu dụng để cung cấp, phổ biến thông tin đến các cơ quan, đơn vị cấp dưới và đội ngũ cán bộ công chức. Thông tin điện tử được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Website cũng góp phần giảm khối lượng văn bản, giấy tờ phải lưu trữ. Thông tin lúc này được lưu trữ tại một nơi, cung cấp và sử dụng cho nhiều nơi, nhiều người, theo nhiều nhu cầu khác nhau. Website cũng là công cụ hiệu quả để thu thập, tham vấn ý kiến đóng góp của các tổ chức, công dân trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách mới và phát hiện những bất cập trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Mặt khác, qua việc thông tin, trao đổi, giải quyết công việc qua Website làm xuất hiện những thay đổi trong phương thức hoạt động, mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc phối hợp để giải quyết các thủ tục thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thứ sáu, là giá trị về tính hiệu quả: Đối với công dân, doanh nghiệp hiệu quả mang lại trong việc giảm thời gian, chi phí đi lại và công sức trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính và trong giao dịch với các cơ quan Nhà nước. Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước đó là hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ công chức trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin; góp phần hạn chế những sai sót, chậm trễ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do thiếu thông tin; giảm chi phí, công sức trong việc lưu trữ văn bản, tài liệu; chuẩn hóa các quy trình thủ tục và tăng hiệu quả quản lý, điều hành.

Tác giả: T.N

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây