Cần ứng dụng CNTT vào các công trình, dự án

Thứ tư - 04/09/2013 20:46

Ảnh nguồn Internet

Ảnh nguồn Internet
DIC- Cùng với xu thế chung của thế giới, bối cảnh kinh tế và thành quả phát triển của công cuộc đổi mới đất nước đang đòi hỏi CNTT phải đóng vai trò to lớn hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Mặt khác, CNTT còn góp phần nâng cao khả năng quản lý, điều hành nhằm thực hiện tốt việc cải cách hành chính (CCHC).
Chính vì vậy, vừa qua (ngày 23/8) Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về CNTT. Trong đó có nội dung sắp tới sẽ quy định bắt buộc phải có hạng mục công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các công trình, dự án đầu tư.Về lý thuyết, hiện nay mọi người thường nói CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước (được nêu ra trong Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về CNTT ban hành từ năm 2000), nhưng chưa có cách gì để cộng đồng cùng ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Thậm chí nhiều cá nhân, tổ chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của CNTT. Họ đưa ra nhiều lý do để trì hoãn, như tiết kiệm hoặc một lý do nào đó mà không ứng dụng CNTT…; trong khi đó có thể đầu tư công trình hàng trăm tỷ đồng nhưng lại không dành một khoản chi phí nhỏ để đầu tư ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành.Với quy định bắt buộc đưa hạng mục CNTT vào các công trình, dự án, Bộ Chính trị sẽ ban hành một tiêu chuẩn mới, buộc các chương trình, dự án và phát triển KT-XH đều phải ứng dụng CNTT để giải quyết những vấn đề lớn mang tính trọng điểm của xã hội, nhằm phát triển một cách hiệu quả nhất, theo đúng cách mà các nước trên thế giới đang làm.Qua nghiên cứu quá trình triển khai những năm gần đây cho thấy, hiệu quả đầu tư ứng dụng CNTT vào các chương trình, dự án đã mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội: Làm minh bạch, công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; giảm nhân lực và thời gian thực hiện công việc, CCHC, công tác thống kê, tra cứu nhanh và hiệu quả.Đơn giản như việc xử lý vi phạm đường bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải: Khi có hệ thống quản lý, giám sát xử lý vi phạm giao thông, cán bộ giao thông quyết định xử phạt người vi phạm bằng hệ thống CNTT chuyên dụng thì toàn bộ dữ liệu được chuyển về trung tâm quản lý sẽ không có tình trạng lợi dụng yểm tiền phạt hoặc chèn ép người vi phạm để tư lợi cá nhân. Qua đó tạo ra sự minh bạch, công khai, giảm thủ tục hành chính cho người dân; đồng thời thuận tiện cho việc so sánh, thống kê với dữ liệu hiện có. Đây mới chỉ là một ví dụ nhỏ trong quản lý lĩnh vực giao thông; nếu đồng bộ áp dụng CNTT cho các công trình ở các ngành khác như y tế, giáo dục... thì lợi ích mang lại cho xã hội và người quản lý là không hề nhỏ.Như vậy chủ trương, chính sách đã và đang được hình thành, vấn đề cốt lõi ở đây là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cấp, các ngành để hoàn thiện thể chế pháp lý, phát triển nguồn nhân lực đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu cả về lượng và chất. Từ đó xây dựng hạ tầng đồng bộ, hạ tầng thông minh; thực hiện số hóa, kết nối ứng dụng toàn diện đối với các ngành liên quan nhằm hiện đại hóa hạ tầng thực hiện thành công chương trình CCHC từng bước xây dựng Chính phủ điện tử ổn định.

Tác giả: Trọng Nghĩa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây