DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 27/08/2020 21:30
Tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương tổ chức ngày 26/8 đã đánh giá việc thực hiện các chỉ số về phát triển chính phủ điện tử. Theo kết quả xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, Điện Biên xếp thứ 56/63 tỉnh, thành; trong đó Thừa Thiên Huế xếp thứ nhất.
/uploads/news/2020_08/image_123986672dcq.jpg Đồng chí Lê Văn Qúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Điện Biên. Hội nghị tập trung thảo luận các báo cáo về tình hình phát triển Chính phủ điện tử và một số cách nghĩ, cách làm mới để thúc đẩy phát triển Chính phủ số; báo cáo về cổng dịch vụ công quốc gia và tình hình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại các bộ, ngành, địa phương; chia sẻ cách làm để đẩy nhanh chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công mức độ 4, thúc đẩy chuyển đổi số… Tháng 7/2020, Liên Hợp quốc công bố báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8/2017 – 7/2020. Theo báo cáo khảo sát, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, 24/24 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Về chỉ số dịch vụ trực tuyến của địa phương, TP. Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất của Việt Nam trong danh sách, xếp thứ 42/100, thuộc nhóm quốc gia ở mức trung bình. Báo cáo cũng xếp hạng chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2019. Tại Điện Biên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được quan tâm và triển khai, từng bước đáp ứng tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, cải cách hành chính. 100% cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia; 100% đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp tỉnh, huyện có cổng thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, triển khai hệ thống một cửa, rút ngắn thời gian xử lý; cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu, khai thác các ứng dụng và dịch vụ dùng chung. Hoàn thành kết nối internet, mạng LAN đến 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu, khai thác các ứng dụng và dịch vụ dùng chung. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí bố trí cho triển khai xây dựng chính quyền điện tử còn hạn chế ở mức tối thiểu; tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử ký số còn thấp (khoảng trên 60%); hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật thông tin của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020; chú trọng kiện toàn tổ chức các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin để thực thi nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các đề án thành phần để thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia; khẩn trương hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, thanh toán trực truyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định…