DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 05/11/2020 21:44
DIC - Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch; đồng thời giảm áp lực giấy tờ trong công việc của cơ quan quản lý Nhà nước. Thế nhưng, hiện nay tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, mới đạt 19,9% so với mục tiêu đề ra hết năm 2020 đạt ít nhất 30% trở lên. Thậm chí nhiều sở, ngành, địa phương đến nay vẫn chưa phát sinh hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến.
/uploads/news/2020_11/2_2.jpg Cán bộ bộ phận “Một cửa” UBND huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, thời gian qua huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Ðồng thời tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện; đào tạo kỹ năng sử dụng chuyên sâu cho cán bộ xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ quan tâm, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là mức độ 3 và 4 của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền còn hạn chế; một bộ phận lớn người dân trình độ tin học hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật còn yếu. Vì vậy, đa số người dân, doanh nghiệp vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục hành chính khi cần. Theo thống kê trong tháng 9/2020, huyện Ðiện Biên Ðông tiếp nhận 147 hồ sơ, nhưng trong đó không phát sinh hồ sơ trực tuyến (chủ yếu trực tiếp và kỳ trước chuyển sang). Không chỉ riêng Ðiện Biên Ðông, nhiều huyện, các sở, ngành trong tỉnh tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 còn rất hạn chế. Thậm chí có những đơn vị chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến chứ chưa nói đến mức độ 3, 4. Cụ thể, theo thống kê trong tháng 9, chỉ có 14/18 sở, ban, ngành tỉnh phát sinh hồ sơ xử lý qua cổng dịch vụ công trực tuyến (Sở Kế hoạch và Ðầu tư chưa thực hiện; Sở Nội vụ 1 hồ sơ; Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc không có thủ tục hành chính công bố trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh). Ðối với cấp huyện, đến nay 10 huyện, thị xã, thành phố đã phát sinh hồ sơ xử lý qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Cấp xã có 103/129 xã, phường, thị trấn phát sinh hồ sơ xử lý qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh công khai 2.156 thủ tục hành chính, trong đó có 237 thủ tục mức độ 3 và 327 thủ tục mức độ 4. Ðến tháng 9/2020, tổng số hồ sơ mức độ 3 được tiếp nhận và giải quyết qua các cổng dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đạt 370 hồ sơ. Ngược lại, tổng số hồ sơ được người dân, doanh nghiệp gửi xử lý trực tiếp (hồ sơ không trực tuyến) chiếm 16.044 hồ sơ. Còn đối với dịch vụ công mức độ 4, tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết qua các cổng dịch vụ công trực tuyến 7.433 hồ sơ. Trong khi đó, tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn được người dân, doanh nghiệp gửi xử lý trực tiếp là 8.614 hồ sơ. Vì vậy, đến nay tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh mới đạt 19,9% (chưa đạt được mục tiêu đề ra). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến mức độ 3, 4 chưa phát huy hiệu quả như: Công tác tuyên truyền còn hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu còn thiếu; tâm lý e ngại, lo lắng việc thất lạc hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; trình độ tin học hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; dữ liệu thông tin liên quan đến thủ tục được cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên website của các sở, ngành, địa phương, đơn vị còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu, khó sử dụng. Theo thống kê toàn tỉnh đến nay mới có 4.350 cán bộ công chức có chứng chỉ về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, vướng mắc trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện nay là việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia còn hạn chế. Tính đến 28/10/2020, cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh mới chỉ tích hợp và kiểm thử 162 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Ðể phát huy hiệu quả dịch vụ công, nhất là mức độ 3 và 4, phấn đấu hết năm 2020 việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 40%, thì bên cạnh tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích dịch vụ công, trong đó chú trọng đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên để tăng số lượng “công dân điện tử”. Cùng với đó có hình thức đào tạo để nâng cao trình độ tin học cho người dân, có giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến công. Ðối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí, các cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với ngân hàng tạo tài khoản để sử dụng thanh toán trực tuyến; chủ động phối hợp với bưu điện đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (toàn tỉnh hiện có 832 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích). Ðặc biệt cần phải coi dịch vụ này là một sản phẩm và doanh nghiệp là khách hàng. Chỉ khi nhận thức như vậy thì công tác truyền thông, giới thiệu về dịch vụ công trực tuyến mới được đẩy mạnh.