Thúc đẩy dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông

Thứ ba - 19/01/2021 21:53

Thúc đẩy dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông

Dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm cảnh quan đô thị và sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh với hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, đô thị, giao thông, ...) còn hạn chế. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp (DN) viễn thông mà còn ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sự an toàn của người dân.
/uploads/news/2021_01/111.jpg Trạm BTS của 3 nhà mạng không dùng chung làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong công tác phát triển hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông, ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan môi trường, an toàn của người dân. Những năm gần đây, sự phát triển hạ tầng viễn thông đã góp phần thúc đẩy các dịch vụ viễn thông phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của xã hội. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, có hạ tầng kỹ thuật viễn thông (Viễn thông Điện Biên, Viettel Điện Biên, MobiFone tỉnh Điện Biên, Trung tâm thông tin di động Vietnam Mobile, FPT Telecom Điện Biên). Đến 30/9/2020, trên địa bàn tỉnh có 765 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), 750 vị trí có phủ sóng 3G, 537 vị trí có phủ sóng 4G và tiếp tục tăng mạnh, cung cấp dịch vụ cho hơn 350.000 thuê bao di động (Đạt gần 60 thuê bao/100 dân). Sóng thông tin di động đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 98% khu vực có dân cư sinh sống, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Toàn tỉnh có 506 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.316 km. Tập trung chủ yếu là hạ tầng của Viettel Điện Biên, Viễn thông Điện Biên. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã; 129/129 xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm, tổng số thuê bao Internet trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 43.000 thuê bao (Đạt tỷ lệ 32% hộ gia đình có kết nối Internet cố định mặt đất). Theo Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động trên địa bàn toàn tỉnh đạt 30 - 35%, tương đương với 230 đến 268 vị trí trạm BTS so với hiện trạng. Việc dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, triển khai mạng lưới nhanh chóng hơn, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế và tránh được tình trạng lộn xộn do phải tốn nhiều diện tích trồng cột ăng ten, cột treo cáp treo, cáp ngầm, ....Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông và với hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, đô thị, giao thông, ...) chỉ đạt khoảng18%. Các doanh nghiệp hiện nay mới chỉ cùng thuê lại hệ thống cột treo cáp của điện lực để phục vụ truyền dẫn chứ chưa cùng đầu tư và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động với nhau. Lý do các doanh nghiệp đưa ra nếu dùng chung hạ tầng viễn thông sẽ gây ra nhiều bất cập, chồng chéo, khó làm và bất lợi nhất là vấn đề thống nhất về độ cao lắp đặt thiết bị trên cột ăng ten, điều chỉnh hạ tầng mạng lưới, xử lý khi có sự cố, không độc lập và tự chủ trong quá trình vận hành cũng như đơn giá giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, cùng là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng sản phẩm khác nhau, cho nên các doanh nghiệp đều muốn có chiến lược riêng để phát huy thế mạnh các sản phẩm của mình nhằm chiếm lĩnh thị trường khách hàng. Mặt khác, do quy định và chế tài yêu cầu dùng chung hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là cơ chế giá thuê còn khó thực hiện. Khi thay đổi công nghệ thì các doanh nghiệp cần bổ sung trên hạ tầng dùng chung cho nên rất khó thống nhất cùng đầu tư nâng cấp hạ tầng cũng như giá cả thuê. Vì vậy, các doanh nghiệp viễn thông muốn phát triển độc lập, tâm lý không muốn dùng chung hạ tầng do còn nhiều vướng mắc trong vấn đề phối hợp để đầu tư kinh phí. Trong thời gian tới để việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường chỉ đạo và hướng dẫn việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật liên ngành. Đồng thời, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí của tỉnh để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông (cột ăng ten, nhà trạm, …) tại một số khu vực có yêu cầu cao về cảnh quan đô thị, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải thuê lại các công trình nếu có nhu cầu cung cấp dịch vụ tại các khu vực này. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11/11/2019 của Bộ thông tin và Truyền thông về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp; ban hành kế hoạch cải tạo cáp ngoại vi viễn thông. Chủ trì, làm đầu mối để các doanh nghiệp viễn thông ký kết biên bản thỏa thuận về chia sẻ, sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu sử dụng có hiệu quả nguồn vốn dịch vụ Viễn thông công ích để tăng cường đầu tư cho khu vực vùng sâu vùng xa, vận động các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng kỹ thuật viễn thông tại khu vực miền núi khó khăn, đưa thông tin về cơ sở phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp viễn thông. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời xử lý những vi phạm về việc thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được tỉnh phê duyệt, có như vậy mới đảm bảo hạ tầng kỹ thuật viễn thông phát triển bền vững, phù hợp với việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và công nghệ trong tương lai./.

Tác giả: Hòa Kiều

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây