DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 20/07/2020 03:11
DIC - Ngày 17/7/2020, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông năm 2020. Tham dự hội nghị gồm có Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các phòng chuyên môn liên quan, Trung tâm CNTT&TT thuộc Sở, đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
/uploads/news/2020_07/12_1.jpg Ông Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban. Ảnh: Quang Minh. Tại Hội nghị các đơn vị đã được nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2020 vượt qua khó khăn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã hoàn thành tốt việc sản xuất, kinh doanh gắn với chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh Covid -19, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Điện biên có 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính và 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính, chuyển phát được mở rộng, thông suốt, bán kính bình quân 4,75km; số người dân được phục vụ/01 điểm là 3,906 người. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các ngành, địa phương rà soát và trình UBND tỉnh công bố 654 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, số lượng hồ sơ qua dịch vụ BCCI đến tháng 6/2020 đạt 32.967 hồ sơ. Sóng thông tin di động đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, số thuê bao điện thoại di động đạt gần 60 thuê bao/100 dân, 32% hộ gia đình có kết nối Internet cố định mặt đất. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn 30 thôn, bản chưa có sóng thông tin di động (chiếm 2,0%); 128 thôn, bản đã được phủ sóng nhưng sóng yếu, chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ (chiếm 8,9%); 498 thôn, bản chưa có dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất (chiếm 34,5%). Hội nghị cũng đã tham gia ý kiến vào 02 dự thảo: Dự thảo trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải tạo mạng cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2020; Dự thảo biên bản thỏa thuận chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận các kết quả đã đạt được của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời đồng chí cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo: Các doanh nghiệp bưu chính cần tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới, nâng cao chất lượng mạng lưới Bưu chính đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu người sử dụng. Phối hợp với các Sở ngành triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Nghiên cứu và đề xuất các chính sách, biện pháp khai thác, sử dụng hiệu quả mạng bưu chính công cộng, trong đó chú trọng đến việc triển khai cung ứng dịch vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích, qua mạng bưu chính công cộng; Các doanh nghiệp viễn thông cần có phương án, giải pháp để thực hiện rà soát, khắc phục các thuê bao điện thoại di động trả trước không đúng quy định, ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo qua mạng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông đã công bố. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, Quy hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian tới tăng cường chia sẻ, sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp với nhau./.