Số hóa du lịch vùng cao Tây Bắc

Thứ sáu - 24/11/2023 02:56
DIC - Làng, bản du lịch cộng đồng không còn quá xa lạ; vừa bảo tồn văn hóa vừa phát huy được những giá trị vốn có của đồng bào, mới đây tại bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên đã xây dựng mô hình số hóa trong du lịch, du khách chỉ cần quét mã QR là có đầy đủ các thông tin giới thiệu về văn hóa, phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa. Đây là bản du lịch cộng đồng đầu tiên của Việt Nam thực hiện số hóa hoàn toàn trong các sản phẩm du lịch.
Số hóa nhằm phục vụ, phát triển du lịch đang là xu thế trong những năm trở lại đây, nó không quá mới nhưng để có thể số hóa hoàn toàn trong du lịch là điều không dễ, các giá trị văn hóa thường tản mạn, việc truyền tải, chuyển đổi, quy tụ các giá trị văn hóa truyền thống thành một hệ thống, tích hợp, trao đổi dữ liệu thông minh giữa du khách và người dân bản địa sẽ tạo sự tương tác mạnh mẽ, giúp du khách hòa mình trải nghiệm vào không gian văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa.

Toàn cảnh bản Nà Sự, xã Chà Nưa một bản được cho là đã số hóa toàn diện về du lịch của Việt Nam. (Ảnh: Trần  Dũng)
Với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, cuốn hút, đồng thời là điểm bắt buộc phải đi qua của du khách trong hành trình đến A Pa Chải (cực Tây của Tổ quốc), bản du lịch cộng đồng Nà Sự trở thành trạm nghỉ, dừng chân lý tưởng, hấp dẫn du khách trong hành trình chinh phục cực Tây của Tổ quốc, nơi gà gáy sáng cả ba nước đều nghe. Đến với Nà Sự, mỗi nét đặc trưng truyền thống như kiến trúc nhà sàn, nghề thủ công, ẩm thực, nhạc cụ, trang phục… của đồng bào dân tộc Thái đều được trình bày ở mỗi lần quét mã dưới dạng video ngắn, từ đó cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức về văn hóa truyền thống cho du khách, giúp du khách có cái nhìn tổng quan nhất về mảnh đất, văn hóa và con người nơi đây.

Chỉ cần quét mã, du khách sẽ xem được thông tin chi tiết dưới dạng video ngắn giới thiệu về phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống. (Ảnh: Lam Anh)
Đồng thời, số hóa du lịch không chỉ dừng lại ở việc thuyết minh, mà App còn tích hợp hướng dẫn viên ảo, giới thiệu các điểm đến, các trò chơi, tăng sự tương tác, trải nghiệm văn hóa giữa du khách và người dân trong cộng đồng, từ đó xây dựng, liên kết và tạo thành một hệ thống đồng bộ trong phát triển du lịch, để mỗi giá trị văn hóa, mỗi thành viên trong cộng đồng đều là nhân tố tham gia, đóng góp, phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Trao đổi với phóng viên, ông Thùng Văn Quân, trưởng bản Nà Sự chia sẻ: Bản du lịch cộng đồng Nà Sự được hoàn thiện và bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2022, để có thể phát huy, lột tả nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa truyền thống, tạo các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương, mới đây bản du lịch cộng đồng Nà Sự đã tiến hành số hóa toàn diện hoạt động du lịch, trong 7 ngày các khâu từ khảo sát và huy động nhân công vô cùng thuận lợi, có thể nói sự gắn kết, chung tay, đồng lòng của cộng đồng bản Nà Sự vô cùng cao, trong quá trình xây dựng, setup, ngày cao nhất huy động được hơn 500 người tham gia, chỉ trong 6 ngày đã hoàn thành với 2.736 ngày công. Mặc dù hình thành chưa lâu nhưng kỳ vọng đâysẽ là hướng đi mới đem lại sinh kế ổn định, bền vững gắn liền với nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, là người trực tiếp tham gia setup, chuyển giao mô hình số hóa du lịch cộng đồng bản Nà Sự cho biết: Số hóa trong du lịch đang là xu hướng tất yếu, việc triển khai, setup vừa dễ mà lại khó, đối với những cá nhân làm du lịch nhỏ lẻ, bán dịch vụ cho du khách thì chỉ cần quan tâm lượng khách và dịch vụ của mình, còn với một bản du lịch cộng đồng thì câu chuyện lại hoàn toàn khác, số hóa bản du lịch cộng đồng không chỉ đưa các nét văn hóa vào nền tảng trực tuyến, việc tiếp cận được nhiều du khách hay không, dịch vụ có thỏa mãn được mong muốn trải nghiệm văn hóa hay không đều dựa vào cộng đồng. Mỗi nếp nhà sàn, mỗi nét văn hóa truyền thống, dân phong có thân thiện, thuần phác... Đều cần sự chung tay, góp sức của từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc bản địa, từ những yếu tố đó, số hóa du lịch cộng đồng sẽ tạo thành một hệ sinh thái du lịch, khi đến tham quan, mỗi du khách sẽ trở thành một phần trong dòng chảy văn hóa dân tộc bản địa, gia tăng sự tương tác, trải nghiệm và ấn tượng khó quên cho du khách.

Du khách thưởng thức nền văn hóa ẩm thực của địa phương. (Ảnh: Trần Dũng)
Có thể thấy, xây dựng, phát triển số hóa du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự sẽ tạo các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, chân thực phục vụ du khách, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho cộng đồng bản địa, đồng thời góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong việc gìn giữ, phát huy những kết tinh văn hóa truyền thống tốt đẹp qua các thể hệ, để văn hóa là cốt lõi, động lực phát triển kinh tế - xã hội./.
 

Tác giả: Bài: Trần Dũng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây