Xây dựng tỉnh Điện Biên vững mạnh toàn diện

Thứ sáu - 24/11/2023 02:46
DIC - Điện Biên - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Nhân dân Điện Biên đã kiên cường, bất khuất, hiên ngang vượt lên mọi gian khổ, góp sức người, sức của cho cách mạng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Truyền thống cách mạng đó tiếp tục được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển ổn định, bền vững.
Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội theo hướng kinh tế nông nghiệp - dịch vụ - đô thị và công nghiệp; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Bắc và vùng Thủ đô. Đặc biệt, sau nhiều năm chia tách thành lập, tỉnh ta đã và đang duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của toàn xã hội. Riêng từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, trong bối cảnh nhiều thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen; dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chung sức, chung lòng của Nhân dân, 10/18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đề ra cơ bản đạt và vượt mục tiêu. Trong đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, GRDP vượt 2,33 điểm so với mục tiêu; thu ngân sách trên địa bàn và huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao so với nửa đầu nhiệm kỳ trước, riêng thu ngân sách vượt 22,4% mục tiêu.

Một góc Trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ hôm nay.   (Ảnh: Mai Giáp)
Nổi bật, bức tranh kinh tế tăng trưởng khá, chỉ tính riêng năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,19%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra và là năm đầu tiên kể từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng ấn tượng, đạt 2 con số, xếp thứ hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân ước đạt 39,68 triệu đồng/người/năm... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm tỷ trọng khu vực I (nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp, xây dựng) và khu vực III (dịch vụ). Cụ thể, khu vực I chiếm 16,86%; khu vực II chiếm 21,25%; khu vực III chiến 57,7%.
Cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, đô thị trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục được quan tâm, phát triển. Tỉnh đã rà soát, triển khai lập, điều chỉnh các phương án quy hoạch trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên làm cơ sở cho việc xây dựng chủ trương và thu hút đầu tư nhiều dự án lớn, như: Khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc Khu đô thị mới phía Đông thành phố Điện Biên Phủ; các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo đề xuất của tập đoàn SunGroup; khu đô thị sinh thái sông Nậm Rốm; trung tâm thương mại và Nhà ở Thương mại thành phố Điện Biên Phủ; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; triển khai các bước thủ tục đầu tư dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1 từ thành phố Điện Biên Phủ - Nút giao Km15+800/QL279)...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. (Ảnh: Lan Phương)
Với đặc thù của tỉnh miền núi, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hiện nay, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với tổng diện tích 150ha. Duy trì diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP một số diện tích chè, cà phê; duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy các hoạt động kết nối, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường. Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Được hỗ trợ về kĩ thuật, vốn vay, mô hình trồng Dâu Tây của nông dân xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng                                                                               (Ảnh: Quang Long)
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng của Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 21/115 xã đạt chuẩn NTM, 120 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu; bình quân tiêu chí đạt 13,07 tiêu chí/xã, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 36,57%.
Song hành công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng; đồng thời xem đây là nhiệm vụ then chốt. Hằng năm, dưới sự lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng. Tiếp tục phát huy, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Trong công tác tổ chức cán bộ, trên cơ sở kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án vị trí việc làm gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18, 19, của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 15, 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Cùng với việc sắp xếp bộ máy, quy hoạch cán bộ, Đảng bộ tỉnh cũng tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên, đặc biệt là ở những nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Ngoài ra, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng. Công tác tư tưởng được quan tâm, nâng cao chất lượng, góp phần phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; từ đó, tạo sự lan tỏa rộng khắp trong nội bộ và Nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, có thể khẳng định, 74 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang đoàn kết một lòng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân./.             

Tác giả: Bài: Lê Quang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây