DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 30/08/2015 21:07
Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2015 là dự án hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản nhằm mục đích hướng tới sự phát triển bền vững cho nông thôn các huyện, thị của tỉnh Điện Biên nói riêng, các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nói chung. Tại Điện Biên, theo dự kiến, đến tháng 8 năm 2015, dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc do tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ tại Điện Biên sẽ chính thức khép lại. Qua 5 năm triển khai, dự án được đánh giá đã phát huy hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn. Những kết quả quan trọng đó phần nào khẳng định thêm sự thành công trong mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung, với tỉnh Điện Biên nói riêng.
/uploads/news/2015_08/3.1-dsc_12296.jpg Đ/c Lò Văn Tiến -Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng quà cho Ông Shimose Kosaburo, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Những kết quả quan trọng Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc được triển khai trong vòng 5 năm, từ tháng 8/2010 đến 8/2015, thí điểm tại một số xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên, gồm: Xã Thanh Hưng, Noong Hẹt (huyện Điện Biên); xã Mường Mùn, Quài Cang (huyện Tuần Giáo); xã Mường Tùng, Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà). Theo đó các kết quả quan trọng của Dự án đã thực hiện được, gồm: Đã nghiên cứu, thực hiện 29 thử nghiệm về các biện pháp canh tác trên các cây trồng: Lúa, ngô, đậu tương... với diện tích 198.641 m2 và 256 hộ tham gia; tổ chức tập huấn 191 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, ngô, đậu tương, ủ phân hữu cơ cho 8.329 lượt người tham gia; soạn thảo “Tài liệu hướng dẫn hoạt động khuyến nông” giúp cán bộ hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt nói chung, cán bộ khuyến nông nói riêng tìm hiểu, vận dụng một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu trên cây lúa, ngô, đậu tương; hướng dẫn nông dân sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm có giá trị cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao đời sống nhân dân. Dự án cũng đã hỗ trợ, thành lập 6 hội sử dụng nước sạch với tổng số 518 thành viên tại 6/6 vùng thí điểm. Các hội dùng nước cũng đã lập kế hoạch cải thiện quản lý nước, thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi thông qua sự tham gia của nông dân; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 6 công trình thủy lợi tại 6 vùng thí điểm. Hiện nay, các hội dùng nước sạch đã bắt đầu các hoạt động nhóm như: Họp thường kỳ, bảo dưỡng công trình, sử dụng phí dịch vụ thủy lợi tự đóng góp để sửa chữa, bảo dưỡng công trình, do đó việc quản lý nước đã được cải thiện đáng kể tại các vùng thí điểm. Bên cạnh đó, cũng đã hoàn thành soạn thảo “Tài liệu hỗ trợ cải thiện năng lực quản lý tưới tiêu của Hội dùng nước sạch” có sự tham gia của người dân. Trong thời gian tới, dự án sẽ phổ biến tài liệu hướng dẫn tới các xã trong huyện thí điểm và các huyện ngoài thí điểm... Trên cơ sở thực tế những kiến thức, kinh nghiệm triển khai các hoạt động Dự án tại các vùng thí điểm, UBND tỉnh Điện Biên đã có định hướng triển khai Dự án trong giai đoạn tiếp theo và mục tiêu là sẽ nhân rộng thành quả Dự án ra các huyện khác ngoài huyện thí điểm là: Mường Ảng, Tủa Chùa; nhân rộng các kết quả thử nghiệm có hiệu quả tại các vùng thí điểm, mô hình thử nghiệm; nâng cao kỹ thuật canh tác đất dốc; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, ngô, đậu tương; hỗ trợ, nâng cao kiến thức về bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm chủ lực của vùng, đặc biệt là gạo, cà phê, chè Tuyết Shan; triển khai phương pháp quản lý công trình thủy lợi có sự tham gia của người dân qua kinh nghiệm thực hiện Dự án đã thực hiện; xây dựng mô hình tưới tiết kiệm, mô hình tiên tiến trong quản lý khai thác công trình thủy lợi để công trình phát huy hiệu quả; chuyển giao các giải pháp công trình thủy lợi đặc thù ở miền núi trong thiết kế, thi công; hỗ trợ đầu tư xây dựng hoặc cho vay vốn để hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng; hỗ trợ giải pháp quản lý tài nguyên nước hiệu quả, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu; nâng cao năng lực của cán bộ, địa phương vùng Dự án về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước… Chuyển biến trong nhận thức người dân về sản xuất nông sản sạch Theo đánh giá của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, vấn đề mấu chốt cũng là thành công quan trọng nhất trong việc thực hiện “Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2015” là chuyển biến trong nhận thức của người dân tại các vùng thí điểm Dự án. Người dân đã cơ bản nắm bắt và áp dụng được kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên cây trồng do Dự án tập huấn, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất. “Bokashi” được xem là một ví dụ điển hình về thành công của Dự án trong việc chuyển biến nhận thức của người dân trong sản xuất nông sản sạch trên địa bàn. Bokashi trong tiếng Nhật có nghĩa là “quá trình làm lên men”, đây là loại phân bón hữu cơ sinh học được tập huấn cho người dân ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai. Loại phân này có tác dụng tăng sức phát triển của các loại cây trồng, tăng sức đề kháng với sâu bệnh mà không cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chị Đào Thị Luyên, đội 19, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, một trong những thành viên tham gia chương trình tập huấn thử nghiệm phân bón Bokashi từ những ngày đầu cho biết: Đây là loại phân có nhiều ưu điểm, rất thích hợp với đồng đất Điện Biên. Nguyên liệu và quy trình để chế biến phân Bokashi cũng rất đơn giản: Cám gạo, men ủ rượu, trấu, phân chuồng được trộn đều với nhau theo tỷ lệ nhất định, ủ và trộn đều sau khoảng 1 tháng là có thể đem ra bón cho các loại cây trồng. Loại phân này có chi phí rẻ, giúp cây sinh trưởng tốt và có sức đề kháng với sâu bệnh, không phải sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nếu trước kia mỗi vụ chị phải bỏ ra cả triệu đồng để phun thuốc phòng chống nấm và sâu bệnh với tần suất từ 2 - 3 lần phun, thì nay với việc duy trì sử dụng phân Bokashi, chị chỉ tốn khoảng 100.000 đồng tiền mua men ủ là có thể làm được khoảng 2 tấn phân để bón cho hơn 1ha diện tích nông nghiệp của mình. Đặc biệt là vào vụ thu hoạch, sẽ không phải chờ cho nông sản có thời gian giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như trước mà có thể thu hoạch bất cứ thời gian nào thích hợp. Cũng giống như gia đình chị Luyên, nhiều người tham gia tập huấn về thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2015 đều đã thay đổi nhiều phương thức sản xuất cũ, áp dụng các tiến bộ mới được tập huấn. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, thành viên Ban Quản lý Dự án Jica tại huyện Điện Biên cho biết: Tại huyện Điện Biên, nông dân đã giảm sử dụng lượng phân đạm, tăng sử dụng phân bón kaly; giảm lượng giống sử dụng từ 20 - 40%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 5 - 8 lần xuống còn 3 - 4 lần; sử dụng hợp lý hơn đối với phân bón, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Sau 5 năm triển khai Dự án, năng suất lúa tăng bình quân 15,5%/năm (xã Thanh Hưng, Noong Hẹt tăng từ 55,3 tạ/ha lên 66,8 tạ/ha). Trên cây ngô, đậu tương, nông dân cũng đã giảm lượng giống sử dụng, gieo theo hàng với mật độ hợp lý, biết cách bón phân và nhận biết các đối tượng dịch hại nên năng suất tăng so với sản xuất đại trà (năng suất ngô bình quân ruộng thử nghiệm 86,8 tạ/ha, cao hơn 55,2 tạ/ha so với đại trà; năng suất đậu tương ruộng thử nghiệm đạt 26,1 tạ/ha, cao hơn đại trà 13,1 tạ/ha). Thắt chặt mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản “Sẽ tiếp tục đầu tư các dự án của tổ chức Jica vào Điện Biên trong thời gian tới”, đó là nhận định của ông Shimose Kosaburo, Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sau khi kiểm tra thực tế, ghi nhận các kết quả của Dự án Jica tại Điện Biên trong chuyến thăm và làm việc hồi tháng 6 vừa qua. Ông Shimose Kosaburo cũng cho biết thêm, việc đầu tư các dự án này đã đi đúng hướng về mục đích hướng tới sự phát triển bền vững cho nông thôn các huyện, thị ở Điện Biên, đặc biệt là việc chú trọng tới phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi… cùng với đó là việc nâng cao kỹ năng cho người dân trong việc phát triển nông - lâm nghiệp. Ông Shimose Kosaburo cũng đề xuất với tỉnh Điện Biên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân; đặc biệt là việc các cán bộ khuyến nông cần nâng cao trách nhiệm, bám nắm địa bàn để hỗ trợ tới mức tối đa cho người dân. Từ những kết quả đã đạt được như mong đợi, dự kiến trong thời gian tới, ông Shimose Kosaburo cho biết thêm, Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư các dự án khác vào tỉnh Điện Biên với tổng ngân sách dự kiến khoảng từ 30 - 50 triệu đô la. Hiện tại tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong đó tập trung vào 2 vấn đề quan trọng là: Nâng cao nhận thức, chuyển biến của người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp; tạo mọi điều kiện để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Việc thành công của Dự án Phát triển nông thôn khu vực Tây Bắc giai đoạn 2010 - 2015 cùng với việc Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hơn nữa các dự án đầu tư vào Điện Biên sẽ là thuận lợi rất lớn để Điện Biên nhanh chóng hoàn thành tái cơ cấu nông nghiệp, ổn định kinh tế, vươn lên dẫn đầu các tỉnh trong khu vực và hơn hết là ghi dấu sự thành công trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, Điện Biên - Nhật Bản, thắt chặt mối quan hệ về mọi mặt của 2 nước lên một tầm cao mới./. /uploads/news/2015_08/3.2-dsc_21423.jpg Gia đình chị Đào Thị Luyên, áp dụng phân bón Bokashi trong trồng trọt đều cho năng suất cao, sản lượng tốt và không có tàn dư thuốc bảo vệ thực vật.