DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 02/09/2015 21:14
Cánh đồng Mường Thanh
Từ một loài cây hoang dại, trải qua hàng nghìn năm gieo trồng công phu với những kỹ thuật lai tạo ngày càng tiên tiến, giờ đây cây lúa đã trở thành vật gắn bó thân thiết, góp phần quan trọng nuôi sống hàng tỉ con người trên trái đất. Với Việt Nam, ngoài các giống lúa có tên (tám xoan, nàng hương, chân châu lùn...), các giống lúa được gọi bằng ký hiệu khoa học (IR64, CR203...); ở Nam Bộ - nhất là vùng Đồng Tháp Mười - có giống lúa không trồng mà mọc, người dân trong vùng gọi là lúa ma hoặc lúa trời; ở Tây Bắc có những tên gọi dân gian: Nếp cẩm, nếp tan, nếp nương, nếp Mèo...
Bộ sưu tập các di chỉ khảo cổ học (rìu, cuốc đá, bàn nghiền đá, các hạt thóc hoá thạch...), là những bằng chứng kết luận rằng Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước nhân loại, rằng nền nông nghiệp với vai trò chủ đạo của cây lúa đã xuất hiện ở Việt Nam ít nhất cũng từ thời đại đá mới. Đến thời đại đồng thau, trên các thạp đồng, rìu đồng và lưỡi cày đồng, người Việt cổ đã chạm khắc nên đó hình bông lúa, cảnh cấy lúa, giã gạo... Những điều ghi chép về ruộng (điền tịch) trong các thư tịch cổ, truyền thuyết “bánh chưng bánh dầy”, trên trời giữa vô vàn các vì tinh tú có ngôi sao tên là Thần nông (vị thần coi sóc việc nhà nông)... Với Điện Biên, xin cảm tạ thiên nhiên hào phóng đã tặng cho chúng ta cánh đồng Mường Thanh rộng nhất vùng Tây Bắc. Đây vuông vức bờ vùng bờ thửa, kia dọc ngang mương máng nội đồng. Người nông dân Mường Thanh bây giờ cày bừa bằng máy, gặt đập bằng máy, xát thóc bằng máy, nghĩa là cơ giới hoá hầu hết các công đoạn sản xuất. Quả là những hình ảnh ấn tượng mà sức thuyết phục còn mạnh hơn cả những lời ngợi ca có cánh. Lại nhớ cách đây hơn 11 năm (tháng 8/2003), trong lúc thi công khu du lịch khoáng nóng U Va (xã Noong Luống, huyện Điện Biên), tốp công nhân xây dựng đã phát hiện rất nhiều các cổ vật trong lòng đất. Bên cạnh những mẫu vật thuộc các chất liệu: Đồng, sắt, bạc, gốm, sứ... đáng chú ý là các mẫu thóc cháy (hiện các mẫu vật này đang được cất giữ tại Bảo tàng Dân tộc tỉnh). Theo “Báo cáo điều tra khảo cổ học” ngày 26/8/2003, của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học xã hội & Nhân văn quốc gia, về phần các mẫu thóc cháy xin được trích nguyên văn như sau: “Cây lúa và các đặc sản lúa ở Điện Biên từ lâu nay đã được các nhà khoa học rất chú ý. Tại Điện Biên, các nhà nông học đã tìm thấy các mẫu lúa hoang dại rất hiếm hoi trên bán đảo Đông Dương. Những hạt thóc cháy tìm được trong di chỉ khảo cổ học này, là những hiện vật rất quý giá để tìm hiểu lịch sử cây lúa ở Điện Biên cũng như lịch sử cây lúa trên thế giới”. Từ nhận xét trên, theo thiển ý chúng tôi, hoàn toàn có đủ căn cứ để coi Điện Biên là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước trong ít nhất phạm vi bán đảo Đông Dương. Thậm chí, như cách đặt vấn đề của các nhà khoa học mà chúng tôi vừa dẫn ở trên, từ lịch sử cây lúa Điện Biên hy vọng mở ra những khám phá mới về cây lúa thế giới. Đó là một niềm tự hào, trước hết dành cho người nông dân Điện Biên và sau nữa, cho những ai đã và đang có những cống hiến cho sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp Điện Biên. Giờ đây, hẳn nhiều người chưa quên một “dĩ vãng buồn” diễn ra trên dưới hai chục năm về trước. Hồi đó, đều đặn hàng năm vào kỳ giáp hạt, từng đoàn xe tải kìn kìn chở lương thực lên cứu đói cho nhân dân Lai Châu (cũ). Nhưng nhiều năm nay tình hình đã thay đổi - một sự thay đổi vô cùng ngoạn mục, bền vững và đáng được ghi vào biên niên sử Điện Biên bằng những dòng chữ in hoa trang trọng. Từ một tỉnh xin trợ cấp lương thực, Điện Biên thành tỉnh tự cân đối lương thực và cuối cùng là tham gia xuất khẩu lương thực. Trên hành trình từ thụ động đến chủ động, là những nỗ lực phi thường cả trong lãnh đạo và thực hiện, trí tuệ, đồng vốn và dĩ nhiên phải kể đến đóng góp của lớp lớp nông dân. Dọc quốc lộ 6 Điện Biên - Hà Nội, bao nhiêu hàng ăn chọn cách tiếp thị bằng chiêu trương lên tấm biển “cơm gạo Điện Biên”. Kinh tế thị trường là thế, họ dùng đặc tính hơn hẳn của dẻo thơm cơm gạo Điện Biên để hấp dẫn thực khách, nhưng đồng thời, họ cũng gián tiếp quảng cáo cho gạo Điện Biên - Hạt gạo lắng trong mình vị ngọt phù sa của thuỷ nông Nậm Rốm, mùi thơm như kén vàng đến độ của nắng Mường Thanh. Hạt gạo Mường Thanh như hạt nghĩa hạt tình, theo chân du khách đi bốn phương trời, đi mười phương đất, thay cho lời mời: “Xuân này, mời bạn tới Mường Thanh!”...