DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 13/03/2017 21:45
Tiếp tục chương trình làm việc tại Điện Biên, ngày 13/3, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác Quốc hội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiếp, làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lâm Văn Năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thành viên đoàn công tác tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho tỉnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Điện Biên là địa bàn có đường biên giới dài, tiếp giáp với 2 quốc gia, đầu nguồn của một số hệ thống sông lớn; có vị trí rất quan trọng của khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Tỉnh có những đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, địa chất địa mạo, cảnh quan, văn hóa, ẩm thực và sản vật địa phương phong phú, đặc sắc… Vì vậy, tỉnh Điện Biên cần có định hướng chung chính xác, đó là: đặt chủ đích xây dựng một nền kinh tế du lịch, dịch vụ, nông nghiệp đặc hữu, kết hợp với dịch vụ để phát triển. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đóng vai trò sống còn, là “nền tảng xanh” cho nền kinh tế; tỉnh cũng nên xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về duy trì, phát triển thương hiệu cánh đồng Mường Thanh. /uploads/news/2017_03/img_5804.jpg Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổng Thư ký Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc tham gia một số nội dung quan trọng: Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, trước những khó khăn về kinh phí thực hiện các tiêu chí về hạ tầng, cần có những chính sách, nguồn lực khác để huy động cho Chương trình. Về vấn đề sinh kế của người dân tái định cư tại TX. Mường Lay, cùng với địa phương thì ngành điện có trách nhiệm chính, lâu dài đối với việc đảm bảo đời sống của bà con. Về việc ổn định dân di cư tự do, theo Tổng Thư ký Quốc hội đây là vấn đề rất khó, nhất là việc đưa những hộ di cư vào địa bàn trở về nơi ở cũ khi người dân đã bán hết đất đai, nhà cửa, tỉnh Điện Biên cần tính phương án báo cáo Chính phủ để tiếp nhận cũng như hỗ trợ tái định cư. Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Hà Ngọc Chiến cho rằng: Điện Biên còn tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ che phủ rừng thấp… cần sự quan tâm lớn hơn nữa từ Trung ương. Song cấp ủy, chính quyền địa phương cần đề ra phương hướng khả thi về sinh kế, chính sách cho các dân tộc thiểu số; nâng cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đề án về xóa bản trắng đảng viên. Các thành viên đoàn công tác cũng tham gia ý kiến về các chính sách xã hội, phát triển văn hóa, thông tin; du lịch, dịch vụ đối với tỉnh; quy hoạch lại TP. Điện Biên Phủ… Đối với đề nghị của tỉnh về sửa đổi, nâng mức ưu đãi, hỗ trợ trong chính sách thu hút đầu tư đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên, đưa tỉnh vào diện địa phương được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Điện Biên đã được nhận những quy chế ưu đãi cao nhất, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp; tỉnh cần có những nội dung cụ thể trong chính sách thu hút đầu tư để đánh giá đưa vào sửa đổi Luật trong thời gian tới. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về chính sách hỗ trợ đặc thù cho một số tỉnh đặc biệt khó khăn như Điện Biên và sẽ có phương hướng triển khai trong thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đạt được trong năm 2016, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 7 xã về đích; thu ngân sách trên địa bàn lần đầu tiên đạt trên 1.000 tỷ đồng; an ninh chính trị, TTATXH giữ vững, ổn định. Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm, tổng sản phẩm thấp so với mặt bằng chung trong khu vực, cần có những đột phá trong định hướng phát triển kinh tế; học hỏi những tỉnh lân cận có cùng điều kiện nhưng tốc độ phát triển nhanh hơn để áp dụng cho địa phương. Điện Biên nghèo về kinh tế, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng nhưng không “nghèo” về bản sắc văn hóa, tuy nhiên, cơ sở thiết chế để duy trì những bản sắc này còn hạn chế. Điện Biên cần phát huy tối đa những lợi thế này để khai thác, đầu tư, tu bổ, phát triển du lịch một cách đa dạng, du lịch theo chuỗi. Tỉnh cần bám sát những chủ trương, Nghị quyết của Trung ương để rà soát, thống kê những việc đã đạt được và chưa đạt. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đặc hữu, phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kêu gọi, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư; nâng cao liên kết với các tỉnh trong vùng; xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo. Với vị trí quan trọng, tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến công tác quốc phòng – an ninh, tránh để bị động; thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm; tuyên truyền hiệu quả những vấn đề về di cư tự do, tôn giáo; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng. Chủ tịch Quốc hội giao các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, phân loại các kiến nghị của tỉnh Điện Biên, tổng hợp để Chính phủ trình Quốc hội xem xét.