Hoa ban - biểu trưng văn hóa Điện Biên
Tùng Lĩnh
2017-04-25T22:12:22-04:00
2017-04-25T22:12:22-04:00
http://dic.gov.vn/vi/news/Thong-tin-doi-ngoai/Hoa-ban-bieu-trung-van-hoa-Dien-Bien-3346.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 25/04/2017 00:12
DIC - Hoa ban, loại hoa của tự nhiên, đẹp tinh khôi, quyến rũ. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, viết: “Hoa ban nở thành người con gái Thái”... Điện Biên - nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc Thái, nên thật đáng khen ngợi khi nhà thơ ví người Thái như Hoa ban, trắng trong, tinh túy, rất gần gũi thiên nhiên. Cái đáng khâm phục của người con gái Thái là rất chăm chỉ lao động, biết vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; họ hết mực chiều chồng, thương con để gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc.
Không riêng người Thái mà đồng bào các dân tộc còn lại trong tỉnh cũng lấy Hoa ban làm biểu trưng sức mạnh. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, xuất phát điểm kinh tế thấp... nhưng đồng bào các dân tộc trong tỉnh vẫn kề vai sát cánh, nỗ lực vươn lên, quyết tâm xây dựng quê hương mường bản ngày càng giàu đẹp, văn minh. /uploads/news/2017_04/dsc_1301_1.jpg Hoa Ban thấp thoáng bên những bản làng. Hoa ban thường nở vào tháng 3. Trước đó nhiều ngày (thường là sau tết nguyên đán), những cây ban khẳng khiu, trút hết lá già, để khi vào mùa bung nở hoa trắng núi rừng. Khách du lịch lên Điện Biên dịp tháng 3, ngoài tham quan di tích lịch sử chiến trường xưa, các danh lam thắng cảnh, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái sẽ không thể bỏ qua chụp ảnh với Hoa ban. Bên các trục đường giao thông, ven các sườn núi, cạnh hiên nhà sàn người Thái, Lào... Hoa ban khoe sắc, hương thơm dịu nhẹ như níu chân du khách, muốn ở mãi không về. Khai thác nét văn hóa, thế mạnh của cây Hoa ban trong phát triển du lịch, tỉnh Điện Biên đã 4 lần tổ chức lễ hội Hoa ban. Và điều đáng mừng là lần tổ chức sau lại thành công hơn lần trước. Mỗi khi mùa ban khai hội, khách thập phương lại nô nức kéo về Điện Biên. Thống kê cho thấy, quý I/2017, có 161.000 lượt khách du lịch lên với Điện Biên, lên với miền Hoa ban (tăng 31% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu từ du lịch đạt 197,8 tỷ đồng. Trong những ngày cao điểm diễn ra lễ hội Hoa ban, các nhà hàng, khách sạn ở Điện Biên “cháy” phòng. Không ít du khách đi riêng lẻ hoặc đi theo tour đều phải về nghỉ tại các bản văn hóa du lịch quanh thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, hoặc nghỉ qua đêm tại các hộ dân theo mô hình Homestay. Nhận thấy giá trị to lớn của cây Hoa ban, biểu trưng văn hóa Hoa ban trong phát triển du lịch và cũng là tạo nét riêng cho du lịch Điện Biên, ngày 31/3, UBND tỉnh có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn về trồng cây Hoa ban. Theo đó, từ nay đến năm 2020, một số sở, ngành liên quan, các trường chuyên nghiệp, trường THPT trong tỉnh, nhất là chính quyền 2 địa phương: huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ dành quỹ đất, nguồn kinh phí nhất định để trồng cây Hoa ban. Tại một số trục đường giao thông nội thành thành phố, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ... phải chú trọng trồng cây Hoa ban; mỗi người dân khu vực thành phố cố gắng trồng và chăm sóc ít nhất 1 cây Hoa ban. Cùng với đó là nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc, phát triển cây Hoa ban. Với mong muốn, trong thời gian sớm nhất, Hoa ban sẽ nở trắng núi rừng, triền đồi, các trục đường giao thông TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và vùng phụ cận mỗi khi vào mùa. Điều này cũng đúng như gợi ý, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong chuyến thăm, làm việc dịp tháng 3/2017 rằng: Điện Biên cần trồng nhiều cây Hoa ban để thu hút khách, phát triển du lịch. Tại các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, nhất là các nghĩa trang liệt sỹ, Hoa ban không chỉ che bóng cho linh hồn các anh hùng liệt sỹ an nghỉ được mát mẻ, thanh thản trong lòng đất mẹ, mà mỗi độ nở hoa, vẻ đẹp thuần khiết, nhẹ nhàng của Hoa ban sẽ thu hút nhiều hơn du khách thập phương đến với cõi thiêng. Lên với mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, bên cạnh ngắm Hoa ban, du khách có thêm thời gian để tìm hiểu giá trị to lớn của địa danh Điện Biên Phủ, nơi diễn ra trận đánh “chấn động địa cầu” trong kháng chiến chống Pháp cách đây 63 năm, tìm hiểu nét văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em. Để giành độc lập, tự do cho dân tộc, đã có hàng nghìn, hàng vạn bộ đội Việt Nam đã không tiếc máu xương, ngã xuống mảnh đất này. Để rồi hôm nay có một Điện Biên đang từng ngày phát triển, đời sống nhân dân thêm ấm no, làng bản yên bình...