DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 15/05/2016 20:50
Người Đại biểu xứng đáng ở đây, đó là Đại biểu Quốc hội, HĐDN các cấp. Ngoài nhiệm vụ phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, còn là Người đại diện cho ý trí, nguyện vọng của Nhân dân trên con đường xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Như chúng ta đã biết, Đảng ta vừa tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, Đại hội các cấp đã xây dựng Nghị quyết, đề ra được các chủ trương, đường lối để phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng cho một nhiệm kỳ 5 năm. Hiện nay, cả nước đang hướng tới một sự kiện chính trị trọng đại, đó là tổ chức thành công Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Do vậy, để lựa chọn đúng các "Công bộc" của Nhân dân, là vấn đề mang ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm tốt nhiệm vụ xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và hết lòng phục vụ Nhân dân. Trong những năm gần đây, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về công tác xây dựng Đảng. Qua đó, cho thấy Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự tiếp nối liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, để chọn cử được những Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021, thực sự là những "Công bộc" của Nhân dân, là người được cử tri ủy thác trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong việc hoạch định các chính sách quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của đất nước, nhất là trong việc lập hiến, lập pháp, việc giám sát tối cao mà chỉ có Quốc hội và Đại biểu Quốc hội mới có quyền thực hiện. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng đó, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 51-CT/TW, trong đó nêu rõ: "Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng". Thực hiện lời dạy của Bác: “Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu...”. Như vậy, ta phải chọn cử Đại biểu trước hết phải là người biết trọng danh dự, trung thực với chính mình, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết và được kiểm chứng qua công việc, qua lời nói và cách hành xử của ứng cử viên, hoặc nhìn nhận ứng cử viên ở góc độ khác như: sự nhường quyền lợi, chia sẻ khó khăn với đồng chí, bạn bè và cộng đồng, khi thực hiện thẩm quyền có theo Hiến pháp và pháp luật không, hay vì lợi ích cá nhân (hoặc lợi ích nhóm) mà xử lý công việc... có như vậy mới có thể chọn cử đúng người có thể làm tốt vai trò đại diện của mình. Để những "Công bộc" của Nhân dân được lựa chọn đúng, là yêu cầu hàng đầu trong lựa chọn Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Việc này được quyết định bởi lá phiếu của mỗi cử tri, do vậy việc đi bầu cử không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của mỗi công dân để chọn lựa người thật xứng đáng đại diện cho mình. Hãy thực hiện quyền lợi từ lá phiếu mỗi cử tri cho thật đúng ý nghĩa để có các cơ quan dân cử thật sự là của dân, do dân và vì dân./.