DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 26/11/2013 20:04
Phóng viên Báo Điện Biên Phủ. Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Giáng Hương
Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, những năm gần đây (đặc biệt là trước tốc độ phát triển mạnh của internet), các tờ báo, ấn phẩm báo chí, trang tin điện tử cũng phát triển mạnh mẽ. Hệ thống các tờ báo, ấn phẩm báo chí ngày càng mở rộng, kéo theo việc phải sử dụng lượng lớn tác phẩm trong khi lực lượng viết chuyên nghiệp tăng không nhiều. Điều đó dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm, đặc biệt là đối với tác phẩm ảnh.
Thực trạngTrong thời gian qua, một số tác giả ảnh có phàn nàn về việc ảnh của họ không được sử dụng đúng trên ấn phẩm báo chí. Hay có thắc về việc bỗng thấy ảnh của mình đăng tại một số tờ báo ngành của Trung ương trong khi bản thân tác giả không gửi cộng tác. Ảnh đăng rồi cũng không thấy trả nhuận bút. Cũng có phản ánh về việc ảnh gửi cộng tác với nội dung này lại được dùng và chú thích minh họa cho nội dung khác mà không đúng với bản chất sự việc cũng như chưa chính xác về thời gian, địa điểm, nhân vật trong ảnh. Gần đây nhất, sau một cuộc thi về ảnh do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên phát động có những ý kiến trái chiều về việc ảnh của một tác giả đã được sử dụng trên Báo Điện Biên Phủ nay tham gia dự thi với tên của tác giả khác. Dĩ nhiên trường hợp này rất khó xử lí, bởi giữa 2 tác giả không có tranh chấp về bản quyền song cũng tạo làn sóng ngầm trong dư luận về lo ngại giải thưởng sẽ bị trao nhầm… Những biểu hiện kể trên cho thấy, vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm ảnh báo chí đã, đang xảy ra và cần được quan tâm xử lý thích đáng.Có thể liệt kê một số hình thức vi phạm bản quyền tác phẩm ảnh trên các ấn phẩm báo chí phổ biến như: Người phụ trách nội dung một số ấn phẩm báo chí sau khi được báo in, báo điện tử của Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thấy có tin, bài phù hợp với ấn phẩm của đơn vị mình thì download về, đăng nguyên xi trên trang của mình. Trên thực tế, đã có trường hợp phóng viên Báo Điện Biên Phủ phát hiện ảnh của mình bị dùng lại nguyên xi trên một ấn phẩm của ngành với tên của tác giả khác, đáng tiếc là người sử dụng lại ảnh cũng lại copy nguyên cả lỗi sai về chú thích ảnh trên ấn phẩm của đơn vị mình. Cũng có trường hợp phóng viên phát hiện ảnh của mình bị dùng lại với tên của tác giả khác (sau khi đã cắt cúp để cho khác biệt phần nào với ảnh gốc). Hay như gần đây có tình trạng cộng tác viên ở cơ sở (do nhiều nguyên nhân) đã cho phóng viên và đơn vị sử dụng ảnh mà không muốn đứng tên tác giả. Tình trạng này dẫn đến, cùng một bức ảnh nay đứng tên tác giả này, mai lại mang tên của tác giả khác (có khi trên cùng một ấn phẩm của đơn vị). Cần chấn chỉnh vi phạm bản quyền tác phẩm ảnhNói về nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm ảnh trên các ấn phẩm báo chí, trước hết phải kế đến nguyên do từ cá nhân tác giả ảnh và người sử dụng ảnh. Nhiều tác giả (trong đó có cả phóng viên chuyên nghiệp) thường gửi ảnh cho nhiều tờ báo, ấn phẩm báo chí; cho nhau ảnh hoặc “chôm” ảnh của người khác có chỉnh sửa rồi đứng tên mình. Cũng có trường hợp ảnh vi phạm bản quyền do cộng tác viên gửi ảnh không có chú thích, hoặc chú thích không rõ ràng, nên thông tin không chính xác… Về phía người sử dụng ảnh một phần do tâm lí xuề xòa, coi nhẹ thông tin bằng hình ảnh dẫn đến ảnh dùng cho có hoặc khi bí quá thì lấy ảnh trên mạng Internet mà không ghi rõ nguồn gốc…Trước sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, việc cạnh tranh thông tin sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Trong điều kiện đó, việc bảo vệ bản quyền tác phẩm ảnh cũng trở nên “nóng” (bởi chỉ có thể trực tiếp chứng kiến sự việc mới có thể có ảnh) đối với cơ quan có ấn phẩm báo chí và phóng viên chuyên nghiệp. Trong điều kiện đó, một số cơ quan như Báo Điện Biên Phủ đã bước đầu giao các phòng chuyên môn xây dựng hệ thống quản lí ảnh chung cho phòng và kho ảnh của Báo. Việc nhắc nhở phóng viên, cộng tác viên lưu ý về bản quyền và đạo đức báo chí cũng được thực hiện thường xuyên. Những việc làm này đã phần nào hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí nói chung, tác phẩm ảnh nói riêng trên báo. Tuy vậy, để việc bảo vệ bản quyền tác phẩm ảnh báo chí, rất cần sự thống nhất hành động của cơ quan quản lí, cơ quan có ấn phẩm báo chí. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần chia sẻ thông tin, hướng dẫn cụ thể về bản quyền và đạo đức báo chí cũng như các quy định nội bộ về lĩnh vực này để tác giả và người sử dụng ảnh hiểu rõ, tuân thủ thực hiện… Nghị định số 47/2009/NĐ-CP, ngày 13/5/2009 của Chính phủ ban hành Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quanĐiều 14. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trích dẫn hợp lý tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không nêu tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh của tác giả, tên tác phẩm theo quy định của pháp luật.3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh của tác giả, tên tác phẩm trên bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được định hình và các sản phẩm khác theo quy định của pháp luật.4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mạo danh tác giả, giả mạo chữ ký tác giả...Điều 15. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào mà không được sự đồng ý của tác giả.2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.