DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 29/12/2013 20:21
Hành vi thu giữ trái phép phương tiện hoạt động báo chí của nhà báo sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng (ảnh minh họa)
Ngày 1-1-2014, Nghị định 159/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động báo chí, xuất bản chính thức có hiệu lực. Nghị định quy định cụ thể các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí, xuất bản và chế độ báo cáo. Theo đó, thẩm quyền xử phạt báo chí thuộc thanh tra chuyên ngành thông tin - truyền thông; Chánh thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông; Chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông và Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều quy định liên quan đến việc xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí mà thẩm quyền xử phạt là những cơ quan, đơn vị không nằm trong quy định của Nghị định 159/2013/NÐ-CP. Ðiều này dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất và chồng chéo trong việc xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí.Cụ thể, Nghị định 79/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực thống kê (có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2013) quy định chế tài xử phạt đối với các vi phạm trong hoạt động báo chí, trong đó phạt tiền từ trên 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi làm sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố để phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm. Còn tại Nghị định 109/2013/NÐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (có hiệu lực từ ngày 9-11-2013) quy định phạt tiền từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường đăng tải phương tiện thông tin đại chúng như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các ấn phẩm thông tin khác. Mới đây, ngày 13-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 173/2013/NÐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 cũng quy định nhiều mức phạt đối với hành vi đưa sai nội dung dự báo thời tiết, trong đó trường hợp làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp gây hậu quả nghiêm trọng chịu mức phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.Quy định từ những văn bản nói trên cho thấy, thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm được giao cho thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác như UBND các cấp, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường... chứ không phải là thanh tra chuyên ngành thông tin - truyền thông. Do vậy, hiện nay có rất nhiều cơ quan có thẩm quyền phạt cơ quan báo chí khi có vi phạm. Thậm chí, theo Nghị định 138/2013/NÐ-CP ngày 22-10-2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch UBND xã cũng có quyền phạt đến năm triệu đồng đối với việc thông tin sai sự thật về kỳ thi.Cùng với những văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Nghị định, nhiều ngành chức năng cũng ban hành những văn bản theo kiểu "giấy phép con" mà quy định của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thời gian qua là một thí dụ. Quy định này nêu rõ, nhà báo khi tác nghiệp tại hiện trường phải được sự đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Mặc dù sau đó quy định này đã được sửa đổi, loại bỏ điều khoản nói trên, nhưng cũng cho thấy thiếu sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định liên quan đến hoạt động báo chí.Hiện nay, Chính phủ chủ trương và từng bước thực hiện việc thu gọn đầu mối quản lý nhà nước và nâng cao tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập hợp, thống nhất quy định xử lý vi phạm liên quan các bộ, ngành khác nhau về một văn bản chung, tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý và trong xử phạt các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề là cần khẩn trương thực hiện công việc này, nhằm thống nhất quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật.