DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 26/12/2013 19:50
Một số ấn phẩm báo, tạp chí xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông được cấp phát miễn phí. Ảnh : Tiến Dũng
Là phóng viên chuyên ảnh, tin, bài về vùng cao, tôi có dịp đến hầu hết các xã trong tỉnh, vì mục sở thị nhiều năm qua tình trạng các loại ấn phẩm báo chí “bị” độc giả các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thờ ơ, đọc quá ít, hoặc không đọc. Sự thờ ơ này vô tình gây lãng phí thông tin, tiền của Nhà nước. Hàng chục loại ấn phẩm báo chí được cấp phát miễn phí cho cho các đối tượng được thụ hưởng vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức chính quyền cơ sở tiếp cận nắm bắt thông tin kinh tế, xã hội và chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và dân trí hầu như được giấu vào một chỗ (?)
Nhiều xã khi nhận về, các ấn phẩm báo chí để tập trung thành từng tập ở phòng làm việc của cán bộ văn phòng, hoặc ở phòng Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy. Cá nhân nào có nhu cầu đọc báo thì đến lấy hoặc xin tại những địa điểm trên. Có trường hợp, một trưởng bản chuẩn bị cưới vợ cho con trai, ông đến UBND xã xin báo để sử dụng vào mục đích việc lớn của gia đình bằng việc che đậy các mâm cỗ trong đó có cả những tờ báo vừa mới nhận về, chưa ai đọc. Tuy nhiên, có nhiều xã sau khi nhận báo từ bưu tá chuyển đến, cán bộ văn phòng UBND xã phát cho cán bộ, công chức để đọc, nghiên cứu, tìm hiểu song hầu như các ấn phẩm này đều bị các cá nhân cất ngay vào tủ, để ở bàn làm việc, hoặc cất trên nóc tủ thành từng đống. Nhiều tạp chí phát cho cán bộ, công chức của xã từ lâu, nhưng vài tháng sau trên bàn làm việc của họ những ấn phẩm này vẫn còn nguyên tem thư, giấy bọc ngoài của nơi phát hành. Đấy là chưa kể đên việc các tờ báo, tạp chí mới được sử dụng vào mục đích khác.Ông Lò Văn T, một cán bộ ở UBND xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), cho biết: Hiện nay, xã được cấp phát miễn phí 22 loại đầu báo, tạp chí (cả báo trung ương và địa phương), nhưng số lượng người đọc báo thường xuyên ít. Đa số độc giả chỉ xem lướt qua những trang, những ấn phẩm có in ảnh màu phóng to, nhiều bắt mắt, sau đó cất đi hoặc dùng vào việc khác… Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chế tài hoặc quy định cán bộ, công chức đọc nghiên cứu học tập trên báo chí.Việc cấp báo chí miễn phí cho cán bộ, công chức và đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Nhưng việc tiếp tục cấp loại báo theo Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2011; số lượng bao nhiêu, sử dụng báo chí như thế nào? Rất cần có sự nghiên cứu, đề xuất và giải pháp của chính quyền các cấp, các ngành chức năng để báo chí thực sự phát huy hiệu quả trong thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT- XH, đảm bảo QP - AN của địa phương và đất nước.