DIC - UBND tỉnh Điện Biên ban hành văn bản số 826/UBND-KTN chỉ đạo triển khai tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 01 năm 2024; theo đó, để chủ động phòng, ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan, đồng thời ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi. UBND tỉnh yêu cầu:
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí kinh phí mua hóa chất và tổ chức thực hiện "Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 01 năm 2024" thời gian thực hiện trong 01 tháng, từ ngày 01/3/2024 đến ngày 31/3/2024 (trường hợp triển khai muôn hơn yêu cầu thực hiện đủ 01 tháng).
Đồng thời, chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức tổng vệ sinh nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm và phun hóa chất sát trùng khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh... Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm,... chủ động bố trí kinh phí mua hóa chất và tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện. Đối với các huyện giáp biên giới, xem xét bố trí cả kinh phí vệ sinh, khử trùng ở khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo thẩm quyền; phối hợp kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện "Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường" với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nội dung triển khai thực hiện "Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường" và các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật để người dân nâng cao nhận thức và biết cách phòng chống.
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến ngày 19/02/2024, cả nước đã xảy ra 04 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 04 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 6.663 con; 69 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi tại 18 tỉnh với tổng số lợn tiêu hủy là 2.519 con; 07 ổ dịch Viêm da nổi cục tịa 02 tỉnh, thành phố với tổng số 08 con trâu, bò mắc bệnh và 01 con bị chết phải tiêu hủy; 03 ổ dịch Lở mồm long móng tại 02 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh là 117 con, số chết và tiêu hủy là 53 con.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ đầu năm 2024 đến nay, phát hiện 03 mẫu dương tính với vi rút dại ở chó tại thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay; bệnh Lở mồm long móng xảy ra rải rác tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé và xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ với 87 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó chết 05 con trâu, bò do ghép với bệnh Tụ huyết trùng. Nguy cơ dịch bệnh động vật tiếp tục sảy ra trong thời gian tới là rất cao do việc vận chuyển buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tăng mạnh để phục vụ trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn, trên địa bàn tỉnh chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 95%, kết hợp với thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. |