Lừa đảo trên không gian mạng - Bình cũ, rượu mới

Thứ ba - 24/10/2023 20:22
Những vụ lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra dưới mọi hình thức và tồn tại trong suốt thời gian qua. Mặc dù Cục An toàn thông tin đã liệt kê tới 24 hình thức lừa đảo trực tuyến khác nhau, nhưng theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) thì đó đa phần đều là các chiêu lừa đảo "bình cũ, rượu mới".

Thời gian qua, các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter hay Instagram… rất phổ biến và được nhiều người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Sự tiện ích của mạng xã hội đã giúp con người có thể kết bạn, trò chuyện dù ở cách xa nhau hàng ngàn cây số. Tuy nhiên, bên cạnh tiện ích đó thì nhiều đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn như lừa trúng thưởng, đe dọa phát tán Virus, nạp card điện thoại, chuyển tiền, thông báo người thân gặp tai nạn, nếu bạn không “like, share”...

Nhiều ứng dụng của mạng xã hội rất tiện ích như ứng dụng “tìm quanh đây” giúp xác định những người cùng sử dụng ứng dụng Zalo, hoặc các tiện ích “Check-in”, “gợi ý kết bạn”, “dòng thời gian trên nền tảng mạng xã hội (Facebook). Song các tính năng này có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng để định vị vị trí, xác định thông tin cá nhân, giới tính, sở thích, thói quen sinh hoạt... để hoạt động phạm tội. Đối tượng gây án ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc với bị hại.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện hiện tượng mạo danh Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành khối tư pháp, khối cơ quan Đảng và chính quyền Nhà nước với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

1
Người dân cần hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng của các đối tượng xấu.

Thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng nhiều sim rác với các số điện thoại khác nhau liên lạc với các đồng chí lãnh đạo UBND cấp xã, phường, thị trấn và người dân ở nhiều địa danh trên địa bàn toàn tỉnh yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ cá nhân và chuyển khoản để phục vụ các mục đích khác nhau…

Sau khi nhắn tin, các đối tượng cho số tài khoản ngân hàng (đứng tên một người khác) để người nhận tin nhắn chuyển tiền vào. Hành vi này không những gây thiệt hại về tài sản của các nạn nhân bị lừa đảo mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, hệ thống chính trị và với cá nhân có liên quan.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý số đối tượng trên, Công an tỉnh thông báo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan;... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội.

 

 

 

Tác giả: ANTV Điện Biên/DIENBIENTV.VN

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây