Báo chí Điện Biên trong thời đại công nghệ số

Thứ sáu - 21/06/2024 03:02

Điện Biên TV - Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 348, phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ... Thực hiện những mục tiêu đó, các cơ quan báo chí, đội ngũ cán bộ, phóng viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã và đang từng bước đổi mới phương thức làm báo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí.

DF
Phóng viên Nguyễn Thị Hằng và Phóng viên Duy Hải, Phòng Thời sự - Đài PT&TH tỉnh Điện Biên gửi tin bài qua hệ thống Mam ngay tại cơ sở.

Tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên, điểm mới về công nghệ tạo thuận lợi cho quá trình tác nghiệp của đội ngũ phóng viên đó là đưa vào sử dụng hệ thống Mam, phục vụ việc gửi tin bài nội bộ từ năm 2022. Giờ đây, ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có mạng internet, phóng viên cũng có thể gửi tin, bài với đầy đủ hình ảnh và lời viết để phục vụ quá trình biên tập với độ chính xác cao.

Phóng viên Nguyễn Thị Hằng, Phòng Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên cho biết: “Tôi thấy sử dụng phần mềm Mam gửi tin bài về rất là nhanh. Chúng tôi có thể ở bất cứ nơi đâu sau khi kết thúc sự kiện có thể gửi cả lời và hình về cho các khâu biên tập và phát sóng. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng tin bài của chúng tôi cũng như là góp phần đáp ứng tính nhanh nhạy của thời sự trong cung cấp thông tin đến khán giả.”

Không chỉ vậy, những năm qua, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện tốt Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 theo Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính Phủ. Năm 2016, Đài đã đưa các chương trình truyền hình lên vệ tinh Vinasat-1 với diện phủ sóng toàn quốc; năm 2018, các chương trình truyền hình được phát sóng với kỹ thuật hình ảnh chuẩn HD. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh mạng xã hội như: Youtube, facebook… Trong đó, Kênh Youtube Đài Truyền hình Điện Biên hiện đã đạt nút Bạc với hơn 100.000 người đăng ký theo dõi.

Ông Nguyễn Đình Phức, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên cho biết: “Từ khâu tiền kỳ là chất lượng camera của phóng viên theo chuẩn HD; đến hệ thống thiết bị sản xuất chương trình được đảm bảo; đến hậu kỳ và truyền dẫn phát sóng được cập nhật kịp thời. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của phóng viên tác nghiệp đã đảm bảo. Phải khẳng định là đội ngũ phóng viên của Đài, nhất là chương trình thời sự đã phát huy có hiệu quả trang thiết bị của Đảng, Nhà nước đầu tư cho Đài.”

D
Bộ bận sản xuất chương trình thời sự Đài PT&TH tỉnh Điện Biên.

Tại Báo Điện Biên Phủ, đội ngũ phóng viên cũng đang tích cực đổi mới để thích ứng với việc đa dạng các loại hình báo chí: Báo viết, báo điện tử, truyền hình internet. Bên cạnh đó là nhanh nhạy thay đổi công nghệ làm báo điện tử, sản xuất video bằng máy quay, smart phone; sử dụng ứng dụng dựng video capcut; phần mềm thiết kế ảnh canva… Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của độc giả trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Phóng viên Phạm Văn Quang, Phòng Báo Điện tử - Báo Điện Biên Phủ chia sẻ: “Là một phóng viên báo in nhưng sau một thời gian chuyển sang báo điện tử thì tôi cũng đã dần thích nghi với cách làm, cách viết, tiếp cận với khoa học công nghệ, kỹ thuật máy móc mới để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền của báo điện tử.”

“Chúng tôi mỗi sản phẩm báo chí của mình đều làm hai phiên bản: Báo in và báo điện tử. Đối với báo điện tử theo hướng đa phương tiện và sử dụng nhiều hình ảnh, tạo sự bắt mắt, đa dạng hình ảnh thông tin, nội dung cho độc giả.” - Phóng viên Nguyễn Thị Hiền, Phòng Văn xã - Xây dựng Đảng, Báo Điện Biên Phủ nói.

R
Mỗi sản phẩm báo chí của phóng viên Phòng Văn xã - Xây dựng Đảng, Báo Điện Biên Phủ đều làm hai phiên bản: Báo in và báo điện tử.

Thời gian qua, báo chí tỉnh Điện Biên đang từng bước xây dựng và hình thành tòa soạn hội tụ, dần thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý. Đặc biệt là áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả...

Bà Lò Thị Minh Phượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới, cơ quan báo chí của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tự động hóa trong môi trường làm việc; đa dạng hóa nội dung và hình thức thể hiện chương trình để mang lại trải nghiệm tốt nhất phục vụ cho khán thính giả trên nhiều nền tảng khác nhau.”

Công nghệ chỉ là phương tiện, còn năng lực và phẩm chất của người làm báo vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi tác phẩm và uy tín của cơ quan báo chí. Để thích ứng trong thời đại số, mỗi cán bộ, phóng viên vẫn cần nhất là nền tảng kiến thức, tư duy mở, năng lực truyền thông sáng tạo, khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ để không bị lạc hậu trong dòng chảy báo chí hiện đại. Qua đó, không chỉ mang đến công chúng những tác phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn, nhanh nhạy và chính xác mà còn khẳng định chỗ đứng của cơ quan ngôn luận tại địa phương.

Tác giả: Phương Dung - Chí Công

Nguồn tin: dienbientv.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây