Từ 1/7 tới, tất cả giao dịch chuyển khoản có giá trị trên 10 triệu đồng bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt người giao dịch với người mở tài khoản ngân hàng. Khuôn mặt người mở tài khoản cũng phải được kiểm tra với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Chỉ ít ngày nữa, quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người sử dụng gặp khó khi cố gắng xác thực thẻ CCCD gắn chip với ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Anh Cường (Hà Nội) cho biết, sau một hồi tự loay hoay xác thực căn cước trên app mãi không xong, anh đành phải lọ mọ nhờ một người am hiểu về công nghệ làm hộ nhưng vẫn không được. “Mất thời gian thế này có khi tới đây tôi phải quay về thời dùng tiền mặt”, người sử dụng này bức xúc.
Cùng ở tình trạng tương tự, anh Tuấn Anh (Quận 7, TP.HCM) gặp khó khi xác thực CCCD trên app của điện thoại iPhone: “Khi ngân hàng yêu cầu xác thực tài khoản, tôi thấy hợp lý nên thực hiện ngay. Với chiếc điện thoại Android đang sử dụng, chỉ cần chạm nhẹ căn cước vào máy là xong. Nhưng với chiếc iPhone của vợ tôi, chạm cách nào cũng không được dù máy đang sử dụng là thiết bị đời mới nhất”.
Băn khoăn của anh Cường, anh Tuấn Anh và nhiều người dùng khác là vì sao việc xác thực lúc được lúc không? Bên cạnh đó, cần làm thế nào để việc xác thực CCCD gắn chip qua app diễn ra thuận lợi.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia Thái Trí Hùng, CTO ví điện tử MoMo, cho hay việc cập nhật thông tin sinh trắc học từ CCCD gắn chip là một trải nghiệm mới mẻ với nhiều người dân. Công nghệ NFC chưa thật sự phổ biến với tất cả người dùng, nên những lần trải nghiệm đầu tiên sẽ có phần bỡ ngỡ.
Lý giải nguyên nhân nhiều người dùng gặp vấn đề khi xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng, sau khi tiến hành kiểm thử, vị đại diện ví điện tử này ghi nhận một số vấn đề thường gặp đối với các dòng điện thoại nhất định.
Theo ông Hùng, các thiết bị iPhone thường có chính sách bảo mật nghiêm ngặt hơn, điều này có thể gây ra khó khăn trong việc truy cập và xử lý dữ liệu từ CCCD.
Cụ thể, người dùng không thể cập nhật sinh trắc học từ CCCD gắn chip khi dùng dòng điện thoại iPhone 6s trở xuống. Với iPhone 12, dòng máy này có vị trí đầu đọc NFC khác so với nhiều sản phẩm trước nên đôi khi người dùng cũng gặp khó khăn.
Trong khi đó, phần cứng đầu đọc NFC của iPhone 14, iPhone 15 có công nghệ khác so với các dòng máy trước đó. Điều này dẫn tới khó khăn khi người dùng cập nhật thông tin sinh trắc học từ CCCD gắn chip.
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia này cho hay, với điện thoại hệ điều hành Android, vị trí đầu đọc NFC của mỗi dòng điện thoại khác nhau, đa dạng nên người dùng có thể gặp khó khăn khi xác định.
Với trường hợp hiếm gặp hơn, việc sử dụng NFC trên một số dòng điện thoại có thể cần sự cấp phép của người dùng hoặc yêu cầu tắt các tính năng khác liên quan đến NFC. Trong trường hợp đó, người dùng cần lưu ý thực hiện việc này trước khi tiến hành xác thực.
Để đảm bảo việc tích hợp CCCD gắn chip và xác thực khuôn mặt diễn ra thuận lợi, người dùng cần cập nhật ứng dụng lên phiên bản mới nhất, đảm bảo CCCD gắn chip còn hiệu lực và thông tin trên CCCD là chính xác. Bên cạnh đó, thiết bị di động hỗ trợ NFC cũng là điều kiện cần để đảm bảo việc xác thực.
Quá trình xác thực khuôn mặt yêu cầu kết nối Internet để tải và so sánh dữ liệu nhanh chóng, do vậy, người dùng cần chủ động kết nối với đường truyền Internet ổn định. Khi chụp ảnh khuôn mặt, người dùng nên đảm bảo nguồn sáng tốt, khuôn mặt được chiếu sáng đều và không bị che khuất.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn