Từ trung tâm huyện Tủa Chùa, chúng tôi vượt quãng đường dài 30km đến với Tả Phìn. Sau hơn 1 giờ rong ruổi trên chiếc xe máy, vùng đất cao nguyên đá Tả Phìn xuất hiện, toát lên vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên với những lớp lớp “măng” đá. Với chiều dài khoảng 4km theo trục đường liên xã đi sâu dần vào bản làng, bãi đá Tả Phìn với nhiều phiến đá tai mèo to lớn xếp chồng nghiêng vào nhau, tầng tầng lớp lớp như một rừng đá mọc từ thung lũng lên đỉnh đồi, hướng tua tủa lên trời.
Choáng ngợp trong một “rừng đá” huyền bí, ma mị, chúng tôi lập tức dừng chân để lưu lại những khoảnh khắc đẹp. Có những núi đá vôi đủ hình dáng, đủ kích thước; có những mảng đá tai mèo xếp chồng thành lũy; có những nơi đá nhọn như chọc trời… Cảnh vật vẫn giữ được nguyên vẹn những nét vốn có làm chúng tôi mê mẩn, tâm trạng thoải mái xua tan đi những mệt mỏi của cuộc hành trình xa xôi.
Xa xa giữa những lớp đá tai mèo trùng điệp, những ngôi nhà người Mông được xây trên đá, họ chung sống với một vùng đất mà tứ bề đều là đá. Người Mông ở Tả Phìn vẫn lưu giữ những phong tục, nếp sống văn hóa truyền thống lâu đời, từ nhà ở, trang phục, nghề truyền thống... không hề bị mai một theo thời gian. Theo chân những người dân mến khách, chúng tôi đến thăm một số gia đình người Mông đã sinh sống lâu đời tại đây. Những ngôi nhà độc đáo, từ móng nhà, hàng rào đều được làm từ đá, có nhà còn được làm mái đá khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ, thích thú. Nhà của người Mông thường có 3 gian, 2 cửa và phải có 2 cửa sổ trở lên, dựa lưng vào vách núi đá... Đặc biệt, trong nếp nhà người Mông, cái hồn của mỗi ngôi nhà được tạo nên chính là từ những hàng rào đá.
Theo chia sẻ của ông Mùa A Chè, người đã sinh sống tại mảnh đất Tả Phìn hơn 40 năm, từ xa xưa, cuộc sống còn khó khăn, diện tích đất chủ yếu là núi đá vôi nhưng đồng bào nơi đây đã tìm cách dùng đá tạo lối đi, xếp thành hàng rào, canh tác trên núi đá để sinh tồn. Từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế, những viên đá được lựa chọn sẽ xếp thành hình tháp rộng trên 1m, cao gần 2m, to ở phần chân hàng rào và nhỏ dần về phía trên. Hàng rào đá thường được làm quanh nhà, quanh vườn, nương và nơi chăn thả gia súc. Dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, bốn bề đều là đá nhưng để sinh tồn, đồng bào nơi đây đã tìm cách để “chinh phục đá”, “thổi sức sống vào đá”.
Trong câu chuyện về những hàng rào đá, ông Chè tự hào khi nhắc đến Thành Vàng Lồng. Đây là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng những viên đá sắc nhọn mà không cần đến bất kỳ một chất kết dính nào, minh chứng cho đỉnh cao của nghệ thuật xếp đá của người dân bản địa.
“Khi vẫn còn nguyên vẹn, công trình Thành Vàng Lồng có chu vi khoảng trên 400m, với 2 cửa ở hướng Bắc và hướng Đông. Thành cấu tạo theo hình vòng cung, uốn lượn theo địa hình đồi núi cao trung bình 2m, mặt tường rộng hơn 1m tạo thành bức tường đá chắc chắn, bề mặt bằng phẳng, người và ngựa có thể đi lại trên mặt thành. Trải qua thời gian, dưới tác động của tự nhiên và con người, Thành Vàng Lồng chỉ còn bờ thành phía Tây dài 110m và bờ thành phía Đông dài 90m, chiều cao có đoạn chỉ còn 1m. Với đồng bào dân tộc Mông, Thành Vàng Lồng là một bảo chứng về những giá trị truyền thống dân tộc, có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc và lưu dấu tập tục xa xưa. Hiện Thành Vàng Lồng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, được khoanh vùng bảo vệ, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo để gìn giữ di tích” - ông Chè phấn khởi nói.
Tại cao nguyên Tả Phìn, đá hiện hữu khắp nơi, từ sàn nhà đến nương đồi. Tưởng chừng ở nơi chỉ toàn là đá này chẳng làm gì được, ấy thế mà người Mông đã biết tận dụng đổ đất lên các hốc đá để trồng ngô, trồng đào và các loại cây ăn quả. Trên nền xám xịt của đá, những chàng trai Mông cần mẫn, những thiếu nữ Mông xập xòe nếp váy rực rỡ kiên nhẫn, tỉ mỉ làm cỏ, chăm sóc ngô. Những nương ngô xanh mơn mởn trên những hốc đá, đất dốc dựng đứng thể hiện sự cần cù, chịu khó của người dân. Nhìn cách mà người Mông tranh thủ từng tấc đất để canh tác, chúng tôi cảm phục tinh thần vượt khó của họ.
Tìm hiểu về cuộc sống của người Mông Tả Phìn, chúng tôi ấn tượng không chỉ bởi họ gần gũi, hiếu khách mà còn bởi đức tính chăm chỉ, chịu khó. Đàn ông với nghề rèn đúc, khéo léo làm ra những sản phẩm tinh xảo, sắc bén phục vụ đời sống. Phụ nữ hầu hết ai cũng biết dệt, thêu thổ cẩm. Những hoa văn thổ cẩm rực rỡ, tinh xảo mang đầy ý nghĩa về thế giới quan, tâm linh và những mơ ước đơn giản trong cuộc sống được phụ nữ Mông thêu lên trang phục. Không những thế, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, người Mông nơi đây cũng đổi thay về tư duy, nhận thức về làm du lịch. Không ít chàng trai, cô gái Mông đã tự tin giao lưu, quảng bá nét đẹp của mảnh đất Tả Phìn tới du khách. Khoác trên mình trang phục truyền thống, họ mạnh dạn trình diễn những điệu múa khèn, cất tiếng hát vang những bài về dân tộc mình giữa cao nguyên đá xám. Những hình ảnh thật đẹp, thật giản dị khiến chúng tôi mê mải thu vào ống kính của mình.
Chia tay Tả Phìn dưới ánh hoàng hôn, cảm nhận không khí mát lạnh nơi vùng cao. Những cái bắt tay thật chặt, nụ cười mộc mạc và ánh mắt ấm áp của bà con khiến chúng tôi bịn rịn, không muốn rời đi. Tin tưởng rằng, với những thế mạnh và giá trị du lịch hấp dẫn riêng có, Tả Phìn trong một tương lai gần sẽ trở thành một điểm đến “hút” khách với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Tác giả: Minh Thảo
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn