Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

Thứ ba - 24/11/2020 20:14

Ðại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần VNG trao biên bản hợp tác về việc triển khai ứng dụng zalo nâng cao chất lượng cung cấp hành chính công trực tuyến của tỉnh.

Ðại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty Cổ phần VNG trao biên bản hợp tác về việc triển khai ứng dụng zalo nâng cao chất lượng cung cấp hành chính công trực tuyến của tỉnh.
DIC - Triển khai xây dựng chính quyền điện tử (CQÐT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Ðiều đó không chỉ làm tăng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo mà còn tạo nền tảng hướng tới xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Hơn hai năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng CQÐT của tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, nhiều biện pháp xây dựng CQÐT đã được triển khai, đặc biệt là năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động triển khai CQÐT cùng các dịch vụ đô thị thông minh. Cụ thể là xây dựng, vận hành tốt phần mềm quản lý thông tin kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đưa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý công việc hành chính nhanh, gọn, hiệu quả. Phần mềm quản lý được xem là kênh cung cấp thông tin, số liệu, chính sách kinh tế - xã hội chính thống của địa phương để các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh tìm hiểu hợp tác, đầu tư. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu trong ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý điều hành và xây dựng CQÐT. Ðến nay, 100% cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên được kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng internet tốc độ cao, 100% xã được kết nối internet. Việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước được chú trọng thực hiện, 100% cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên đã kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản hồ sơ công việc; 100% cơ quan Nhà nước đã có cổng/trang thông tin điện tử, cơ bản đáp ứng yêu cầu tìm hiểu thông tin và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; 90% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về công nghệ thông tin. Anh Trần Hoài Nam, trú tại phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Từ khi khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến và ký kết hợp tác ứng dụng zalo, chỉ cần thao tác bấm nút quan tâm kênh Hành chính công tỉnh trên zalo, chúng tôi đã nhận được tin nhắn thông báo mỗi khi tình trạng hồ sơ có sự thay đổi. Ngoài ra, với đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông lúc nào tôi cũng có thể gọi đến trao đổi thông tin, hỏi đáp các vướng mắc. Hơn 1 năm vận hành chính thức, Cổng dịch vụ công tỉnh đã tiếp nhận hơn 71.000 hồ sơ dịch vụ công. Trong đó, 87% hồ sơ được giải quyết đúng hạn. Ðiều này cho thấy các đơn vị đã quan tâm và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Ðến nay, cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã đáp ứng 100% việc xử lý các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Là đơn vị chủ trì tham mưu và triển khai CQÐT của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các hệ thống CNTT tập trung mang tính chiến lược, đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả. Ông Chu Xuân Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: 4 hệ thống ứng dụng CNTT theo mô hình tập trung được triển khai gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý thông tin kinh tế - xã hội tỉnh, hệ thống giám sát an toàn thông tin tập trung và ứng dụng chữ ký số điện tử. Phần mềm quản lý thông tin kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ đến các sở, ngành, UBND các huyện thị xã, thành phố. Chứng thực chữ ký số tích hợp trên phần mềm quản lý văn bản được triển khai tới nhiều đơn vị. Năm 2019 UBND tỉnh đã phê duyệt khung kiến trúc CQÐT tỉnh và giao Sở là đầu mối có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai áp dụng kiến trúc CQÐT. Cụ thể, từ năm 2019 - 2022, kiến trúc CQÐT tỉnh chia làm 3 giai đoạn với 9 nhóm nhiệm vụ như: Xây dựng xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); xây dựng các ứng dụng nghiệp vụ CQÐT; trang bị cơ sở hạ tầng cho cơ quan Nhà nước; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; nâng cấp cổng thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng hệ thống an toàn thông tin; hệ thống thông tin quản lý kiến trúc CQÐT; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền về nền tảng CQÐT. Kết quả ban đầu cho thấy các cơ quan đơn vị đã phối hợp và ứng dụng tốt các nền tảng của CQÐT cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại cơ quan. Xây dựng CQÐT là nhiệm vụ không dễ, cần có sự đồng thuận, phối hợp tốt của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và người dân. Bởi vậy, người đứng đầu các sở, ngành cấp tỉnh, địa phương phải trực tiếp ứng dụng và chỉ đạo cán bộ, nhân viên ứng dụng thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của đơn vị mình. Ðồng thời nâng cao hiệu quả kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân, doanh nghiệp; tổ chức đối thoại trực tuyến, tăng cường các chương trình, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Tác giả: Bài, ảnh: Mai Phương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây