DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 12/10/2016 23:15
Trên địa bàn tỉnh ta có 19 dân tộc anh em, với rất nhiều di sản có giá trị cao về văn hoá - lịch sử - du lịch, mang truyền thống của mỗi tộc người. Chúng ta đang sống giữa thời đại hội nhập toàn diện và mạnh mẽ, điều tất yếu xảy ra là sự tác động qua lại lặng lẽ, liên tục, vô tình hoặc hữu ý giữa các nền văn hoá với những sắc thái và bản ngã khác nhau. Hãy làm gì có thể để các di sản văn hóa không những không bị pha tạp, không bị lụi tàn mà còn gắn với phát triển kinh tế - xã hội...
Câu chuyện giữa tôi với ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh - xoay quanh chủ đề “bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, như nội dung tờ trình mà Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch được giao nghiên cứu, xây dựng và tổ chức lấy ý kiến của một số sở, ngành, đơn vị chức năng và UBND các huyện, thành phố, thị xã... trên địa bàn tỉnh. Sau một tuần trà, ông Nguyễn Đăng Quang bắt đầu câu chuyện bằng một chi tiết có vẻ “hàn lâm”, đó là: Theo cách phân chia hiện nay của Tổ chức Giáo dục - Khoa học & Văn hóa của Liên Hiệp Quốc cũng như của Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, thì di sản có hai loại: Di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể. Nội dung mà chúng tôi muốn tìm hiểu, thuộc di sản văn hóa phi vật thể. Nghĩa là hầu hết các di sản không có hình hài cụ thể, thật khó nhìn thấy bằng mắt và nói chung rất hãn hữu cầm nắm được. Nói như các nhà nghiên cứu, thì di sản văn hóa chính là bức “thông điệp” của thế hệ trước gửi cho thế hệ mai sau. /uploads/news/2016_10/4.1.jpg Vòng xòe Điện Biên. Thống kê cho biết toàn tỉnh đã có 14 lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng các dân tộc thiểu số được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa và nhiều lễ hội, di sản văn hóa bước đầu phát huy giá trị. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng, từng bước được quan tâm, được chú trọng. Đã hoàn thành công tác kiểm kê toàn diện dân tộc Cống và dân tộc Si La, đạt 100% mục tiêu Đề án đề ra. Thêm vào đó, bước đầu phục dựng, bảo tồn một số lễ hội và phong tục tập quán các dân tộc này. Cũng như với loại hình văn hóa vật thể, trong nhiều năm qua công tác đầu tư, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh được quan tâm. Việc đầu tư hỗ trợ cho Bảo tàng tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh và các bản văn hóa truyền thống, bản văn hóa du lịch... tiếp tục được quan tâm. Công tác biên soạn, lưu giữ, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa được tích cực triển khai, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, tư liệu hóa và giới thiệu tới đông đảo người dân và các nhà nghiên cứu khoa học. Việc tuyên truyền, phố biến, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng. Để chứng minh cho những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên trong ngành, ông Nguyễn Đăng Quang đưa ra những con số định lượng về việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Theo đó, toàn tỉnh có 46/130 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 35,4% và vượt 20,4% so với mục tiêu 15% của Đề án); 342/1.776 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 19,25% so với mục tiêu 20% của Đề án); có 473/1.776 thôn, bản, tổ dân phố được gắn biển tên (đạt 26,6%, trong khi mục tiêu của Đề án là 100%). Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thực hiện có hiệu quả. Việc xây dựng và tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc được quan tâm. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng triển khai thực hiện. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có cán bộ văn hóa xã trong đó có 121/130 xã có cán bộ văn hóa - xã hội là người dân tộc thiểu số (đạt 93% và vượt 53% so với mục tiêu 40% của Đề án)... /uploads/news/2016_10/4.2.jpg Múa nón Thái - Một tiết mục trong sinh hoạt văn nghệ cộng đồng bản Hua Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Theo ông Nguyễn Đăng Quang, về lý thuyết, phần lớn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân, những nghệ nhân am hiểu các loại hình di sản trên chủ yếu là người già, còn lại tầng lớp thanh, thiếu niên ít tiếp cận và sự hiểu biết về các loại hình di sản trên còn hạn chế. Mặt khác, trong những năm gần đây do tác động của nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng lớn tới phong tục tập quán của các dân tộc. Nhiều loại hình di sản văn hóa trên địa bàn đã và đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp và thậm chí thất truyền. Về 8 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, chẳng hạn như tiếng nói, chữ viết, hiện nay các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn sử dụng rất phổ biến, đây là phương tiện giao tiếp hàng ngày và gắn với đời sống sinh hoạt của mỗi người dân. Do dân tộc Thái chiếm đa số nên một số dân tộc khác vô thức hoặc ý thức, đã ảnh hưởng, giao thoa pha lẫn nhiều tiếng Thái trong ngôn ngữ của mình, như: dân tộc Khơ Mú, dân tộc Kháng, dân tộc Lào, dân tộc Phù Lá... Thậm chí, dân tộc Khơ Mú còn lấy họ của người Thái như họ Lường, họ Quàng. Hiện tượng mất dần tiếng nói mẹ đẻ có nguy cơ diễn ra ở một số dân tộc ít người sống xen kẽ với dân tộc Thái, Mông như các dân tộc Kháng, Phù Lá, Khơ Mú... Tuy nhiên, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng hiện còn rất ít, chủ yếu còn với chữ Thái, chữ Dao và chữ Mông, được lưu giữ bởi những người già trong một số làng bản hoặc những nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng. Mặt khác, nghịch lý ở chỗ một số người tuy biết đọc nhưng lại không biết viết. Vì thế, hiện nay, chữ viết của nhiều dân tộc đã và đang là nguy cơ đáng “báo động” nhất, trước hiện tượng mai một. Tại Bảo tàng tỉnh, sau khi cho phép chúng tôi được tiếp cận một số tài liệu văn bản về chữ viết cổ của dân tộc Dao, bà Trịnh Thị Mai - Giám đốc Bảo tàng - cho biết: Một kết luận phổ quát là trong số 18 dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, chỉ có 8 dân tộc có chữ viết riêng (Dao, Giáy, Hoa, Lào, Mông, Nùng, Tày và Thái). Trong số 8 dân tộc có chữ viết riêng ấy, nếu xét về mặt tự dạng lại thấy như sau: Dân tộc Dao, dân tộc Giáy và dân tộc Hoa dùng loại chữ có nguồn gốc chữ Hán; dân tộc Mông, dân tộc Tày và dân tộc Nùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ cái Latinh; dân tộc Lào và dân tộc Thái dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn (ấn Độ). Nhân đây, cũng phải nói ngay rằng tuy cùng dùng loại chữ có nguồn gốc từ chữ Phạn, nhưng chữ Thái cổ hoàn toàn khác chữ Lào cổ. Điều đáng lo ngại là hiện giờ, trên địa bàn tỉnh Điện Biên không còn người Lào nào có thể đọc được chữ Lào cổ của chính dân tộc Lào. Riêng với chữ Thái cổ tình hình xem ra lạc quan hơn, trước hết thể hiện ở các nỗ lực truyền bá, trên tinh thần chấn hưng, bảo tồn; sau đó là việc còn một số người Thái có thể đọc và viết được hoặc nhiều hoặc ít chữ Thái cổ. Khi chúng tôi đặt câu hỏi phải làm gì để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những tài liệu chữ viết cổ mà cán bộ của Bảo tàng tỉnh từng mất rất nhiều công điền dã, sưu tầm mới có được, bà Trịnh Thị Mai chia sẻ với một tâm trạng dường như không mấy vui vẻ: Theo yêu cầu nghiệp vụ, giá như đơn vị được đầu tư một vài chiếc tủ chuyên dụng (có chức năng tăng - giảm nhiệt độ), để đựng số sách cổ nói trên. Đến nay, bằng cách làm tự co kéo, trang trải kinh phí, Bảo tàng mới dừng lại ở hình thức ép giữa mỗi trang sách cổ một tờ giấy bóng kính để phần nào hạn chế việc các trang giấy tự nó “cắn nhau”, tự nó sinh ra mọt rỗ. Trong hoàn cảnh khó khăn, hình thức “trưng bày” tại chỗ hiện nay là để hiện vật trong tủ kính thông thường, vậy thôi. Thực tế cho thấy, tuy nỗ lực của ngành chức năng cũng như quan điểm chỉ đạo của chính quyền các cấp có vai trò rất lớn, nhưng kinh phí đầu tư của Nhà nước là rất quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả). Một ví dụ đơn giản là khi biết tin ở bản này bản kia có người phát hiện được cổ vật, nhưng cán bộ Bảo tàng muốn tiếp cận hiện vật thì không thể chỉ đến với hai bàn tay trắng. Xem ra chủ đích: Để văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là một câu chuyện dài lắm, rất dài...