DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 14/03/2013 04:41
Theo Luật Bưu chính, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2 kg phải có giấy phép kinh doanh BC do Bộ TT&TT cấp.
DIC - Doanh nghiệp (DN) sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu có hành vi cung cấp dịch vụ bưu chính mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.
Đây là quy định tại Chương 2 “Hành vi vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bưu chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” của dự thảo lần 5 Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính (BC), viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Theo dự thảo Nghị định mới, đối với nhóm các hành vi vi phạm quy định về giấy phép BC, thông báo hoạt động BC, mức phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 30 triệu đồng. Cụ thể, các vi phạm như: Không thực hiện việc đề nghị cấp lại khi giấy phép BC bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được; Không thông báo hoặc thông báo không đúng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về BC khi có thay đổi liên quan đến giấy phép BC theo quy định của pháp luật; Không thông báo hoặc thông báo không đúng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về BC khi có thay đổi liên quan đến văn bản xác nhận thông báo hoạt động BC; Làm chi nhánh, văn phòng đại diện của DN cung ứng dịch vụ BC được thành lập theo pháp luật Việt Nam không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thầm quyền về BC, sẽ bị phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng sẽ được áp dụng cho các hành vi: Cho thuê, cho mượn giấy phép BC; Chuyển nhượng giấy phép BC trái pháp luật; Cung ứng dịch vụ BC không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về BC theo quy định của pháp luật; Làm đại lý, đại diện, văn phòng đại diện cho DN cung cấp dịch vụ BC nước ngoài; Nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực BC từ nước ngoài vào Việt Nam không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về BC. Mức phạt tối đa với nhóm vi phạm này - 30 triệu đồng dành cho các hành vi: Cung cấp dịch vụ BC mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính; Mua bán, cầm cố giấy phép BC. Ngoài ra, cũng theo dự thảo nêu trên, hình thức xử phạt bổ sung đối với DN có hành vi tẩy xóa, sửa chữa nội dung trong giấy phép BC hoặc mua bán, cầm cố giấy phép BC là tước quyền sử dụng giấy phép trong 6 tháng; và tước quyền sử dụng văn bản xác nhận thông báo hoạt động BC 3 tháng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa văn bản xác nhận thông báo hoạt động BC (hình phạt bổ sung tại Nghị định hiện hành là tước giấy phép BC, văn bản xác nhận thông báo hoạt động BC không thời hạn). Dịch vụ BC là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo quy định của pháp luật, các DN tham gia hoạt động trong lĩnh vực này ngoài việc phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh với các Sở KH-ĐT tỉnh, thành phố nơi DN đặt trụ sở cấp thì DN còn phải được Bộ TT&TT thẩm định, cấp giấy phép BC, xác nhận thông báo hoạt động BC. Thống kê của Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT) cho hay, tính đến cuối năm 2012, số lượng DN tham gia kinh doanh dịch vụ BC đã được Bộ TT&TT cấp giấy phép, xác nhận thông báo hoạt động là gần 70 DN. Song theo phản ánh của lãnh đạo một số DN bưu chính lâu năm thì số lượng DN đang cung ứng dịch vụ BC trên thị trường lớn hơn nhiều, lên tới vài trăm DN. Mặt khác, từ thực tế triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BC những năm qua, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cũng từng chia sẻ, một trong những vi phạm phổ biến là các cá nhân, DN tham gia kinh doanh dịch vụ BC nhưng chưa được Bộ TT&TT cấp phép hoặc xác nhận thông báo hoạt động. Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện đang được Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo để thay thế cho các Nghị định hiện hành về xử phạt VPHC trong lĩnh vực TT&TT nhằm tạo sự thống nhất, phù hợp với các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua tháng 6/2012. Dự thảo Nghị định mới đã được Bộ TT&TT đăng tải công khai trên website Bộ để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo người dân và doanh nghiệp từ ngày 28/12/2012 đến ngày 27/2/2013. Hiện nay, Ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng Nghị định đang gấp rút chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định để kịp trình Chính phủ theo đúng tiến độ. Dự kiến, phiên bản cuối cùng của dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4/2013.