DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 24/01/2017 03:24
Những ngày cuối năm, trên một số tuyến đường của thành phố Điện Biên Phủ, xen lẫn màu cờ hoa chào đón năm mới Đinh Dậu 2017, sự xuất hiện của các băng rôn, biểu ngữ với nội dung về “Xây dựng văn hóa giao thông” như càng làm cho thành phố thêm phần rực rỡ. Khi mùa xuân mới đang đến rất gần, mỗi chúng ta lại càng phải nhận thức rõ hơn về “Văn hóa giao thông”, từ đó nâng cao ý thức về chấp hành Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ an toàn tính mạng, hạnh phúc cho chính mình, người thân và xã hội.
Từ những thông tin trên băng rôn, chúng tôi tìm đến Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Điện Biên - đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch triển khai chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2016. Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, cho biết: Chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2016, mang chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” do Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước vào dịp cuối năm 2016, theo Kế hoạch số 594/KH-UBATGTQG ngày 31/12/2015 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Về phía tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, triển khai đảm bảo theo đúng nội dung, yêu cầu. Theo đó, từ ngày 30/12/2016, 50 băng rôn ngang và 250 phướn dọc với 6 nội dung: “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu, rẽ bất ngờ”, “Phải đi đúng phần đường, làn đường”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, được treo trên các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố Điện Biên Phủ như: Đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ, Sùng Phái Sinh, Hoàng Công Chất, Trường Chinh, khu vực phường Noong Bua... /uploads/news/2017_01/6.1.jpg Băng rôn với nội dung “Không phóng nhanh vượt ẩu, rẽ bất ngờ” trên đường Trần Đăng Ninh, TP. Điện Biên Phủ. Được biết, ý tưởng của các nhà tổ chức là muốn chương trình triển khai nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; từng bước hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh rượu, bia trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và trật tự an toàn xã hội; giảm các vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ... Đối với tỉnh Điện Biên, thời gian qua với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tình hình vi phạm an toàn giao thông đã giảm, kiềm chế được các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông, như: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh, nhất là xe ô tô; kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập; ý thức của một số người dân, đặc biệt là các đối tượng thanh niên vẫn sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; tình trạng vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định vẫn diễn ra... Để góp phần xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức của người dân, nhất là vào các dịp lễ, tết, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến an toàn giao thông tới người dân bằng hình thức xây dựng các băng đĩa phát trên loa công cộng tại các tuyến đường và địa bàn đông dân cư. Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết, hiện đơn vị đã có 5 cụm loa phát thanh, đặt tại 5 địa bàn, gồm: thành phố Điện Biên Phủ, tuyến quốc lộ 279, tuyến quốc lộ 12, huyện Tuần Giáo và thị xã Mường Lay. Trong thời gian cuối năm 2016, bên cạnh việc tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm; phân luồng, phân tuyến, hướng dẫn nhân dân đi lại vui xuân, đón tết an toàn. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tình cờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Công (một nông dân ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên), đang chở nhiều loại rau lên bán trên chợ Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Dừng xe đạp bên đường, anh Công cho biết: “Dịp này tham gia giao thông, chúng tôi rất yên tâm. Giá mà các cơ quan chức năng duy trì việc tuyên truyền văn hóa giao thông liên tục như bây giờ thì tốt bao nhiêu. Chúng tôi sợ nhất là đám thanh niên tóc xanh tóc đỏ, phóng loại xe máy gì mà tiếng nổ còn to hơn cả tiếng ô tô tải. Khiếp quá mất thôi...”. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong những năm gần đây an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Trên khắp các nẻo đường, những băng rôn, biểu ngữ về an toàn giao thông như lời nhắc nhở, cảnh báo với những người tham gia giao thông hãy nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Và một thực tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ mà mỗi chúng ta có thể bắt gặp trên khắp các nẻo đường hay trên các trang báo, các chương trình thời sự, mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông. Từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là giải pháp quan trọng làm giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để làm được việc này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành; đặc biệt là từ ý thức tự giác của mỗi người tham gia giao thông. Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần, để niềm vui đón tết được trọn vẹn, không xảy ra những mất mát, đau thương vì tai nạn giao thông, mỗi người dân hãy là một tuyên truyền viên, nhắc nhở những người thân yêu của mình luôn chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, hưởng ứng các thông điệp về an toàn giao thông, nhất là “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Có như vậy thì việc xây dựng “Văn hóa giao thông” mới đạt kết quả như mong muốn.