DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 13/04/2014 21:02
Công viên chiến thắng Mường Phăng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên), trở thành điểm dừng chân hấp dẫn trong hành trình du lịch TP. Điện Biên Phủ - Pa Khoang - Mường Phăng. Ảnh: Thu Thủy
Vào những ngày này 60 năm trước (tháng 4/1954), thung lũng Mường Thanh như chìm trong biển lửa. Đợt tấn công thứ hai của quân ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diễn ra vô cùng quyết liệt. Trong cảm xúc hân hoan của niềm vui chiến thắng ban đầu ấy, cán bộ chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ nhận được điện chúc mừng của Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam...
Toàn văn bức điện như sau: “Thân ái gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên phủ! Trung ương Đảng và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân ta ở Điện Biên phủ. Trung ương Đảng và Bác có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 15/3/1954”. Sau khi điều tra chính xác và phân tích thấu đáo tình hình chiến trường, Bộ Tư lệnh tiền phương quyết định mở cuộc tổng tiến công giải phóng Điện Biên, mà điểm mở màn chính là cụm đề kháng Him Lam. Điều đó có nghĩa trận đầu ta đánh ngay vào nơi mà địch cho là “không thể công phá”, đánh thẳng vào lòng kiêu ngạo của lũ thực dân! Đúng 17 giờ 05 phút ngày 13/3/1954, cuộc tấn công vào Him Lam bắt đầu! Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu! Giờ cáo chung đối với quân cướp nước bắt đầu! Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là “chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”, quân ta càng đánh càng hăng. Ngay ở trận đầu ngày 13/3 địch mất Him Lam, ngày 15/3 mất Độc Lập và ngày 17/3 mất tiếp Bản Kéo. Như vậy, cả một phòng tuyến vòng ngoài của địch suốt từ Tây Bắc sang Đông Bắc lòng chảo Mường Thanh, đã bị đập tan... Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng với 3 đợt tấn công “máu trộn bùn non”, quân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Trung ương Đảng giao cho, buộc Đờ cát và toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng vô điều kiện. Chỉ một ngày sau khi thất thủ ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp và bọn can thiệp Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Giơnevơ, vĩnh viễn đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Lại nhớ trước đó, khi Chiến dịch Tây Bắc chuẩn bị diễn ra, ngày 1/10/1952 Bác Hồ gửi một bức thư cho cán bộ và chiến sỹ Tây Bắc: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sỹ, đều phải: Quyết tâm chiến đấu, triệt để chấp hành mệnh lệnh. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn. Thương dân, trọng dân và tốt với dân. Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng. Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú. Chào thân ái và quyết thắng”.Ngoài ý nghĩa giao nhiệm vụ và dặn dò ân cần, bức thư như một sự ký thác thiêng liêng và như một lời hiệu triệu sục sôi, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin tất thắng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Tây Bắc. Như mọi người đã biết, Chiến dịch Tây Bắc là chiến dịch tấn công chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam, với sự tham gia của các đại đoàn 308, 312 và 316 (thiếu), tiểu đoàn 910 (trung đoàn 148), 6 đại đội sơn pháo, 3 đại đội súng cối, 1 trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ binh địa phương, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Tây Bắc là chiến trường rừng núi, thời điểm ấy quân Pháp ở đây có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội bộ binh, chiếm đóng tại 144 cứ điểm thuộc 4 phân khu: Lai Châu, Sông Đà, Nghĩa Lộ, Sơn La và 3 tiểu khu độc lập: Thuận Châu, Phù Yên, Tuần Giáo. Khi chiến dịch diễn ra, địch tăng cường thêm 9 tiểu đoàn bộ binh và lính dù Âu Phi, 3 tiểu đoàn nguỵ, 1 tiểu đoàn biệt kích và 1 tiểu đoàn pháo binh... Qua 3 đợt tấn công (từ 14/10 đến 10/12/1952), ta truy kích địch từ Nghĩa Lộ, qua Phù Yên, tiêu diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm. Toàn bộ phòng tuyến vòng ngoài của quân Pháp (từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai) bị đập tan. Để cứu nguy, Pháp buộc phải tăng viện cho Tây Bắc, lập Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, mở cuộc hành binh Loren lên Phú Thọ nhằm phân tán chủ lực Việt Minh... Từ hướng Lai Châu quân ta đánh xuống Điện Biên Phủ, Tuần Giáo, Thuận Châu, thị xã Sơn La... Sau 57 ngày đêm của chiến dịch, ta đã tiêu diệt và bắt sống khoảng 10.000 tên địch, giải phóng gần 30.000km2 với hơn 250.000 dân; đập tan âm mưu chia rẽ dân tộc của Pháp với chiêu bài “xứ Thái tự trị”, “xứ Nùng tự trị”... Vùng giải phóng Tây Bắc nối liền với Việt Bắc và Thượng Lào, tạo nên thế liên hoàn chiến lược vững chãi cho ta.Chiến dịch Tây Bắc diễn ra trên hình thái chiến trường hiểm trở và khắc nghiệt, mặt khác, trong thời gian ta nổ súng, Pháp đã tăng cường một lực lượng mạnh cho Tây Bắc. Song lĩnh hội tinh thần chỉ đạo của Bác: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Các chú phải đánh cho thắng”, quân và dân Tây Bắc đã đoàn kết một lòng, thực hiện bằng được quyết tâm của Người. Chúng ta học tập tư tưởng của Bác là “bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn” để “giành cho được toàn thắng”. Trong chiến đấu, học tập hay lao động, để có được thành công điều kiện trước tiên là ý chí quyết tâm, là nghị lực dẻo dai phi thường. Đó là hành trang tinh thần không thể thiếu, từ đấy mới tạo ra cơ hội, tạo ra tài năng và tạo nên những vầng hào quang. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân ta, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ - là một trong những trận đánh tiêu biểu của phong trào các dân tộc nhỏ chống lại các cường quốc thực dân ngày ấy. Điện Biên Phủ, tóm lại, đó là kết quả tất yếu phản ánh một lôgic khoa học và biện chứng, về cuộc chiến tranh vệ quốc toàn dân, do Đảng lãnh đạo. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn và vận dụng sáng tạo học thuyết và nghệ thuật quân sự của Hồ Chủ tịch, của Đảng ta, của nhân dân ta và của quân đội ta...Hơn 30 năm sau, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ bất khuất, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, mùa xuân năm 1975, Đảng ta, nhân dân ta và quân đội ta đã dốc toàn lực lượng để đánh trận cuối cùng - trận cuối cùng để có một Tổ quốc hoà bình và thống nhất trong hạnh phúc dựng xây. Đất nước bước ra khỏi chiến tranh, một cuộc chiến tranh “phải hy sinh nhiều của, nhiều người”, nhưng “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhà thơ Tố Hữu - lá cờ đầu của nền thi ca vô sản Việt Nam, từng viết: “Chúng muốn ta bán mình ô nhục// Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm // Chúng muốn ta biến thành tro bụi // Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”. Tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cả “hai đế quốc to” đều phạm phải một sai lầm giống nhau, đó là chạm vào lòng tự trọng, chạm vào niềm kiêu hãnh của một dân tộc có truyền thống đánh giặc giữ nước, có lịch sử anh dũng bốn nghìn năm kể từ buổi cha ông cầm gươm đi mở cõi...