Nền tảng số là giải pháp công nghệ đột phá góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số

Thứ ba - 22/11/2022 03:17
DIC - Chuyển đổi số được tỉnh Điện Biên xác định là giải pháp nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; coi đó là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó người dân là trung tâm, nền tảng số là giải pháp công nghệ đột phá. ​
​Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (gọi tắt là Đề án 06) có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện Đề án tới cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, đồng thời tập trung số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu, triển khai dịch vụ công…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 03/6/2022 của UBND tỉnh về phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 833/QĐ-UBND ngày 10/5/2022 về ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022; các kế hoạch, hướng dẫn của tỉnh tới tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương...Đồng thời có ý kiến đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ phát triển hạ tầng, cung cấp dịch vụ thông tin di động tại các khu vực chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh; sở cũng đã kịp thời đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh rà soát, đăng ký chính chủ thuê bao di động trả trước; tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; cảnh báo lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng cao và nghiêm trọng trong các sản phẩm Microsoft công bố tháng 5/2022…

Cùng với đó, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai thực hiện Đề án 06 với nhiều hình thức, như: đặt baner trên trang thông tin điện tử, tuyên truyền ngoài trời bằng các pano, áp phíc; in tờ rơi, tờ gấp tại địa phương. Đề nghị tuyên truyền về chuyển đổi số trên Zalo và Viber; tuyên truyền Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia và quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước trên hệ thống thông tin cơ sở.

Sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở, trang thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố, fanpage, kênh youtube... với hơn 1.000 lượt tin, bài. Các cơ quan báo chí Trung ương cũng tích cực tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Đề án 06 với 170 lượt tin, bài được đăng tải. Đặc biệt trang thông tin điện tử các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ học sinh thuộc diện ưu tiên cấp Căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử (nhóm đối tượng là học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2022).

Tăng cường triển khai dịch vụ công, số hóa
Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn ngành Thông tin và Truyền thông, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đến nay, hệ thống cơ bản đáp ứng các quy định tại Điều 25 Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Máy chủ phần mềm, cơ sở dữ liệu, thiết bị bảo mật của hệ thống và máy chủ bảo mật SS đáp ứng bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống.

Hiện tại, hệ thống đang cung cấp 1.779 TTHC được đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, trong đó 100% TTHC đủ điều kiện, có phát sinh hồ sơ được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống đã kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống, cơ sở dữ liệu quốc gia các bộ, ngành Trung ương, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống phục vụ dịch vụ công; hệ thống dịch vụ công tập trung để liên thông hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tránh phải nhập hồ sơ trên 2 phần mềm và đang thực hiện kết nối với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, dữ liệu triển khai, sử dụng hệ thống được tích hợp, đồng bộ đầy đủ, chính xác, thường xuyên, liên tục với Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ đánh giá theo thời gian thực trên hệ thống đánh giá chất lượng quản trị công trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (https://dichvucong.gov.vn) và hệ thống thu thập, đánh giá mức độ sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (https://emc.ngsp.gov.vn).

Để triển khai thực hiện nội dung số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa tài liệu theo nội dung nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời hướng dẫn thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết; tổng hợp danh sách đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số cho hơn 400 cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trực tiếp liên quan đến số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Tổ chức tập huấn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phiên bản 2.0 và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho 870 cán bộ, công chức tại bộ phận "một cửa", quản trị mạng của 19 sở, ngành tỉnh; 10 UBND cấp huyện, 129 UBND cấp xã. Sở cũng đề nghị Viễn thông Điện Biên rà soát, bổ sung, hiệu chỉnh các chức năng của hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đảm bảo kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đang được nâng cấp cơ bản đáp ứng các nhóm chức năng.

(Ngày 27/8/2022, đồng chí Vũ Anh Dũng - Giám đốc Sở TT&TT và đồng chí Hoàng Tuyết Ban - Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa ký kết hợp tác phát triển Thông tin và Truyền thông và chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025)

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong chuyển đổi số
Triển khai thực hiện Đề án 06 của tỉnh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh cũng như tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện các TTHC. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; đồng thời tạo nền móng vững chắc trong chuyển đổi số. Xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn tỉnh. Tập trung nâng cấp mạng di động 4G; tích cực thí điểm triển khai hạ tầng mạng di động 5G. Rà soát, tăng cường đầu tư hạ tầng viễn thông tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ lớn trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh. Xây dựng Trung tâm dữ liệu cấp tỉnh đảm bảo các yêu cầu cung cấp, chia sẻ, kết nối dữ liệu theo đúng quy định của Chính phủ. Xây dựng Trung tâm điều hành an ninh mạng của tỉnh (SOC); đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số.

Tập trung xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Tiếp tục nâng cấp hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện kết nối chính thức Hệ thống giải quyết TTHC với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp) và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác để giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát sim chính chủ, kiểm tra chất lượng đường truyền Internet; xây dựng lộ trình nâng tốc độ đường truyền Internet cố định và băng rộng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh... nhằm góp phần cùng tỉnh từng bước thực hiện chuyển đổi số thành công, đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững./.
 

Tác giả: Vũ Anh Dũng Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây