Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thứ ba - 22/11/2022 03:54
Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thời gian qua, tỉnh ta đã tích hợp, cung cấp và đồng bộ nhiều thủ tục hành chính (TTHC) qua cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người dân biết, tìm hiểu và sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các TTHC.
 

Cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và giải quyết TTHC phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC.

Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đang cung cấp 1.779 TTHC được đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Quốc gia. Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 115.000 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 96%. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt hơn 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các TTHC còn thấp.

Việc tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp cho thấy, hiện nay, người dân chưa quen với việc thực hiện TTHC trên môi trường internet, thông qua các ứng dụng số, không biết có TTHC đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến; còn nhiều người chưa được tiếp cận với internet, máy tính hay thiết bị di động thông minh hoặc có thiết bị di động thông minh nhưng vẫn giữ thói quen làm thủ tục hành chính trực tiếp. Đồng thời, việc thông tin, tuyên truyền cũng chưa đủ, chưa có cơ chế khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Hạ tầng số dù được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để phục vụ chuyển đối số… đã cản trở việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Ông Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: Thời gian qua, Sở đã tích cực phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cán bộ cấp xã, thôn bản. Chính quyền cấp xã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết, tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC. Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh phiên bản 2.0 và số hóa hồ sơ, giải quyết TTHC cho 870 cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa”, quản trị mạng của 19 sở, ngành tỉnh và 10 UBND cấp huyện, 129 UBND cấp xã; tập huấn trực tiếp cho 290 cán bộ, công chức, viên chức huyện Điện Biên Đông, TP. Điện Biên Phủ và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn với khoảng trên 3.000 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện các hội phụ nữ, đoàn thanh niên, công an, giáo viên, tổ trưởng các thôn, bản. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho đầu mối tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng có thể đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Thời gian gần đây, bên cạnh việc tiếp nhận, xử lý các TTHC, cán bộ thuộc bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) còn kiêm thêm nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, số dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 ở phường Mường Thanh là 75 TTHC. Từ đầu năm đến nay, UBND phường Mường Thanh đã xử lý 465/1.303 hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 (đạt 35,7%).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: Để người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, UBND phường thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các tổ dân phố. UBND phường đã thành lập 15 tổ công nghệ số cộng đồng tại 15 tổ dân phố. Các tổ này có nhiệm vụ lồng ghép, tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các TTHC. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hiệu quả tuyên truyền đạt khá thấp. Nguyên nhân do đa phần người dân chưa phát sinh các TTHC nên chưa quan tâm đến việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đa phần người già, trung tuổi vẫn muốn giải quyết TTHC trực tiếp do trình độ tin học, kỹ năng sử dụng thiết bị số hạn chế... Chính vì vậy, để tăng tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, UBND phường đã chỉ đạo cán bộ hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản, hướng dẫn các bước để xử lý TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến khi người dân đến giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”. Thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền và tổ chức hỗ trợ trực tiếp tại trụ sở để tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Hiền, phường Mường Thanh cho biết: Qua sự hướng dẫn của cán bộ UBND phường Mường Thanh tôi đã tự tạo lập tài khoản và sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC. Vừa qua, tôi đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú và làm giấy khai sinh cho con trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp tôi tiết kiệm thời gian, nếu như trước đây phải đến trụ sở UBND phường thì nay tôi có thể giải quyết các TTHC đó tại nhà, rất thuận tiện.

Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục đầu tư, phát triển mạnh mẽ hạ tầng số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông, chia sẻ, xác thực hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân tốt nhất. Đặc biệt là, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả truyền thông, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận của người dân. Qua đó, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các TTHC./.

 

Tác giả: Bài, ảnh: Phạm Trung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây