DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 30/01/2015 10:22
Ảnh minh họa
(Mic.gov.vn) - Ngày 29/01/2015 tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng về dự thảo Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin (ATTT) đến năm 2020. Dự kiến, Đề án sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2015.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT, hiểu biết và ý thức của người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm ATTT. Chỉ cần người sử dụng nhận thức và có ý thức tự áp dụng một số biện pháp đơn giản đã tự phòng ngừa khoảng 80% các nguy cơ, rủi ro ATTT. Ông Nguyễn Huy Dũng ví von việc này cũng tương tự như “rửa tay bằng xà phòng sẽ hạn chế được 80% vi khuẩn”. Theo thống kê của Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), trong số các sự cố mất ATTT tại Việt Nam thống kê trong năm 2013, lỗi do con người chiếm tới 62%, trong đó 52% là lỗi về chuyên môn nghiệp vụ, thiếu hiểu biết những chuẩn mực tối thiểu về ATTT và 10% là lỗi do thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Cũng theo ông Nguyễn Huy Dũng, trước thực trạng như vậy, việc xây dựng Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ATTT để tổ chức triển khai một cách tổng thể, đồng bộ và hiệu quả là hết sức cần thiết. Theo dự thảo Đề Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin (ATTT) đến năm 2020, đối tượng Đề án hướng tới tuyên truyền gồm có: Học sinh, sinh viên các trường trung học, trung cấp, đại học, sau đại học; Cán bộ công chức các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Cán bộ công nhân viên chức, người lao động các doanh nghiệp ứng dụng CNTT; Người lao động tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT; Người sử dụng thiết bị CNTT tại gia đình và các đối tượng khác. Tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền là các bài viết, phóng sự, phim, hình ảnh, âm thanh, hoạt họa và trò chơi phần mềm tương tác. Dự thảo Đề án nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ chính, cụ thể là: Xây dựng, biên tập tài liệu tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ATTT; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhực thức về ATTT tại các cơ sở giáo dục; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ATTT qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, qua các hệ thống thông tin cơ sở và qua các phương thức khác. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao dự thảo Đề án do Cục ATTT xây dựng, nhưng Thứ trưởng cũng yêu cầu cần bổ sung các nội dung về thực trạng nhận thức về ATTT của người sử dụng. Đây được coi là căn cứ quan trọng để từ đó xây dựng mục tiêu và phương hướng tuyên truyền. Về đối tượng tuyên truyền, Thứ trưởng yêu cầu cần xác định rõ đối tượng tuyên truyền dựa theo mức độ sử dụng CNTT. Tại Hội thảo “Nghị viện các quốc gia trong việc phòng, chống mối đe dọa của chiến tranh mạng đối với hòa bình, an ninh thế giới” diễn ra ngày 28/01 vừa qua, các đại biểu đã chia sẻ, có 6 việc các nước phải thực hiện để đảm bảo ATTT, gồm: xây dựng chính sách, nguồn nhân lực, chính sách phòng thủ, nâng cao nhận thức của người sử dụng, tăng cường hợp tác quốc tế… Thứ trưởng chỉ đạo cần đưa những nội dung này vào trong Đề án. * Mục tiêu của Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ATTT đến năm 2020: - Trên 50% người sử dụng nói chung được tuyên truyền, phổ biến về xu hướng, nguy cơ mất ATTT, phòng chống phần mềm độc hại, nâng cao cảnh giác đối với các nguồn phát tán thông tin độc hại. - Trên 50% người sử dụng nói chung, trên 60% học sinh, sinh viên được tuyên truyền về thói quen, kỹ năng đơn giản để bảo đảm ATTT và bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán điện tử, các dịch vụ trực tuyến khác. - Trên 70% cán bộ công chức cơ quan nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về kỹ năng đơn giản để bảo đảm ATTT khi ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. - Trên 70% người lao động của các doanh nghiệp ứng dụng CNTT và trên 80% người lao động trong các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT được tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất ATTT, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong ATTT.