DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 28/09/2016 04:33
Điện Biên Phủ anh hùng không chỉ nổi tiếng bởi Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - mà nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc còn “nức tiếng” bạn bè gần xa với nền văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em. Trong đó, không thể thiếu là những bản văn hóa truyền thống của các dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú...
Đến với mỗi bản văn hóa, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian sống của bà con, thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ độc đáo mà còn được khám phá vị đậm đà pha chút hương vị thiên nhiên, ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc do chính bàn tay người dân trong bản chế biến, như: Pa pỉnh tộp, cơm nắm, canh bon, thịt trâu gác bếp... Du khách cũng có thể chọn mua những món quà lưu niệm do người dân tự làm: Khăn piêu, túi xách, chăn ga bằng thổ cẩm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đặng Văn Hiếu (TP. Hà Nội), chia sẻ: Đến với Điện Biên chúng tôi không chỉ được tham quan các điểm di tích lịch sử mà còn được thăm những bản, làng văn hóa truyền thống... Chúng tôi thấy người dân rất gần gũi, thân thiện. Đoàn còn được xem văn nghệ và thưởng thức những món ăn truyền thống do người dân làm. Tôi rất “ấn tượng” và sẽ trở lại Điện Biên. /uploads/news/2016_09/3.4.jpg Người dân bản văn hóa Him Lam 2, TP. Điện Biên Phủ chuẩn bị các món ăn dân tộc truyền thống phục vụ khách du lịch. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 10 bản văn hóa du lịch. Giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh đã đầu tư bản văn hóa truyền thống dân tộc Thái (ngành Thái đen) tại bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), gồm: Bảo tồn 10 nhà truyền thống; xây dựng 1 nhà truyền thống và sân lễ hội phục vụ cộng đồng; nâng cấp trục đường giao thông chính dẫn vào bản, mở rộng đường, cải tạo bề mặt và xây dựng rãnh thoát nước; trồng cây xanh. Đặc biệt đã hình thành công trình nhà cộng đồng với kiến trúc truyền thống, nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy, bảo tồn nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm nhạc cụ truyền thống, bảo tồn trang phục và các hoa văn cổ... Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn dân gian tại 2 bản: Dân tộc Mông (bản Hua Xa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) và dân tộc Thái, ngành Thái trắng (bản Nậm Cản, phường Na Lay, TX. Mường Lay). Dự án EU hỗ trợ một số trang thiết bị, như: Âm thanh, ánh sáng... tại bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ). Cùng với đó, tỉnh ta cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân, về ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dòng họ, dân tộc và quê hương mình… Quảng bá các sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên; đặc biệt chú trọng du lịch cộng đồng, trải nghiệm thực tế tại các bản, làng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản văn hóa du lịch đã tạo ra nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giai đoạn 2013 - 2015, du lịch Điện Biên đón trên 1.225 ngàn lượt khách, trong đó trên 210 ngàn lượt khách quốc tế... Thu nhập từ du lịch đạt trên 1.490 tỷ đồng, đã góp phần tạo cơ hội, điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, thúc đẩy giao lưu kinh tế, sớm đưa du lịch tỉnh ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn (2016 - 2020) tỉnh ta phấn đấu hỗ trợ đầu tư bảo tồn 3 bản văn hóa truyền thống dân tộc và 5 bản văn hóa - du lịch trở lên... Tin tưởng rằng, với việc phát huy và bảo tồn bản văn hóa - du lịch sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên. Từ đó, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hòa trong công cuộc phát triển, xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.