Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính tại tỉnh Điện Biên

Thứ hai - 01/06/2020 14:55
DIC - Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, tỉnh Điện Biên đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ CCHC, quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. Việc ứng dụng những tiến bộ về CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC.
Hiện nay, hạ tầng CNTT tại các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 80%. 100% cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên được kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng Internet tốc độ cao; 100% xã được kết nối Internet. Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh đã được nâng cấp tại 14 điểm đảm bảo kết nối thông suốt từ Chính phủ xuống đến cấp huyện và có thể chuyển tiếp đến một số xã trong tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước đã được xây dựng và kết nối từ Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các phần mềm dùng chung đã được đầu tư, nâng cấp và được cài đặt tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh. Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước bước đầu được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai và khai thác có hiệu quả , như: Quản lý hộ tịch; Cấp đổi giấy phép lái xe; Quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo; Quản lý người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; GIS chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông… làm cơ sở, nền tảng quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị và cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã thực hiện tại 23 cơ quan, nâng tỷ lệ văn bản điện tử được ký số lên 50% tổng văn bản gửi nhận giữa các cơ quan Nhà nước. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai kết nối liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trong tỉnh (Năm 2019 đã gửi nhận gần 500.000 văn bản điện tử, quý I/2020 gửi nhận trên 150.000 văn bản điện tử giữa các đơn vị). Hệ thống phần mềm một cửa điện tử thống nhất, tập trung toàn tỉnh đã được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước các cấp (tỉnh, huyện, xã), kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.dienbien.gov.vn/ https://dichvucong.dienbien.gov.vn/ để đăng tải công khai kết quả giải quyết TTTTthth TTHC và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (với tổng số 1.602 thủ tục hành chính; trong đó: 1.253 thủ tục hành chính mức độ 2, 254 thủ tục hành chính mức độ 3, 95 thủ tục hành chính mức độ 4). Việc triển khai thực hiện đầu tư Hệ thống cung cấp Dịch vụ hành chính công trực tuyến đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đạt 23,7%; 6 tháng đầu năm ước đạt 24%. Thông qua việc ứng dụng CNTT, phần mềm điện tử, các cơ quan, tổ chức Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh dễ dàng trao đổi thông tin, tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị với tổ chức, cá nhân dưới dạng thư điện tử, góp phần CCHC, giảm văn bản giấy tờ, đồng thời tăng cường tính đồng bộ của các ứng dụng giải quyết TTHC. Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, tỉnh Điện Biên đang triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra; thường xuyên cập nhật và triển khai có hiệu quả Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích; đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Chỉ đạo cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tất cả các các ngành, lĩnh vực tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về kỹ năng ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tác giả: Bài: Thu Hiền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây