DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 30/01/2015 10:16
Ông Nguyễn Thế Kỷ phát biểu kết luận Hội nghị
(Mic.gov.vn) - Sau buổi sáng làm việc tích cực, đầy trách nhiệm, nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan, tâm huyết, giàu tính xây dựng Hội nghị cơ quan chủ quản năm 2014 đã thành công tốt đẹp. Thay mặt các cơ quan chủ trì Hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh việc cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản NXB nhằm thúc đẩy ngành xuất bản phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Kỷ đánh giá, năm 2014 ngành xuất bản đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ được thể hiện trên các mặt sau: Một là, quán triệt 3 Quyết định 281, 282, 283 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về công tác xuất bản, các cơ quan chủ quản đã chủ động, tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin, phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý định hướng NXB thực hiện tôn chỉ, mục đích thông qua công tác xét duyệt kế hoạch đề tài xuất bản trong năm; thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn hoạt động xuất bản. Hai là, trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, một số cơ quan chủ quản đã có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của NXB trong đơn vị mình, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đơn vị (trụ sở, trang thiết bị làm việc, ứng dụng CNTT…), sắp xếp, ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng, tạo điều kiện cho NXB phát triển. Thứ ba, tuy còn hạn chế về trụ sở, vốn, song với sự nỗ lực của nhiều cơ quan chủ quản đã chủ động tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, đầu tư, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho NXB. Chính sự quan tâm của cơ quan chủ quản, nhiều NXB đã vượt qua khó khăn, vươn lên, có bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, hoạt động xuất bản còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có những yếu kém thuộc về công tác chủ quản như: Vẫn còn tình trạng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nhất là kiểm tra, đôn đốc các NXB thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ngay từ khi tổ chức bản thảo; Ở một số cơ quan chủ quản, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực cho các NXB chưa được quan tâm, chăm lo đúng mức, từ bộ máy quản lý đến lực lượng biên tập viên, nhân viên; Nhiều cơ quan chủ quản, công tác đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho NXB còn hạn chế, chưa tạo đủ các điều kiện cần thiết để NXB hoạt động; Sự phối hợp giữa các cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, quản lý có lúc chưa chủ động, kịp thời, còn lúng túng; Vấn đề liên kết xuất bản hiện nay đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chủ quản, cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, làm suy yếu vai trò của các NXB và của chính cơ quan chủ quản… Do vậy, việc khắc phục những hạn chế, yếu kém, sơ hở trong liên kết xuất bản, xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm; loại trừ các xuất bản phẩm “vô bổ”, thậm chí “độc hại”, đang là bài toán cấp bách đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ các NXB mà còn cần có sự chung tay của toàn ngành - ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh. Về nhiệm vụ trong năm 2015, báo cáo trình bày tại Hội nghị và đồng chí Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã phân tích và nêu rõ 4 nhiệm vụ lớn cần tập trung triển khai trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ quan trọng sau: Tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế của NXB sao cho hài hòa; bảo đảm tính tư tưởng, tính văn hóa, tính khoa học, sự đa dạng, hấp dẫn của các xuất bản phẩm, phấn đấu có nhiều sách hay phục vụ bạn đọc; Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản, trước hết là hoàn chỉnh định hướng chiến lược và quy hoạch mô hình hoạt động, hợp nhất NXB; Cơ quan chủ quản cần tăng cường các nguồn lực, phương tiện làm việc cho NXB, nhất là cơ chế vốn (theo quy định của Luật Xuất bản 2012), đảm bảo đơn vị có thể hoạt động và phát triển. Các cơ quan chủ quản cần mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử (dự báo sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai). Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, làm tốt công tác cán bộ, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ làm xuất bản, giữ vững lập trường, quan điểm chính trị và chất lượng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, vững nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn…; Chuẩn bị tốt công tác tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và sơ kết 5 năm thực hiện các Quyết định 281,282,283 của Ban Bí thư…/.