DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 30/12/2015 01:43
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Sáng nay (30/12/2015) tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cùng phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.
/uploads/news/2015_12/20121230-m2.jpg Các đại biểu tham dự Hội nghị. Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ... Tại Hội nghị, đồng chí Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ TT&TT thay mặt Ban Tổ chức trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2015; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016. Theo đó, năm 2015, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và sự nỗ lực của các cơ quan báo chí, báo chí nước ta tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đơn vị. Nội dung, hình thức báo chí ngày càng phong phú; công nghệ và phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Báo chí đã thực hiện tốt vai trò định hướng dư luận Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước, tình hình quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tích cực tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương khóa XI, các Nghị quyết và hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, nhất là việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 -2020; tuyên truyền việc thực hiện Hiến pháp năm 2013, các dự luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Năm 2015, các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền Đại hội Ðảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XII của Ðảng. Báo chí có nhiều bài viết, chương trình tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp; nhiều cơ quan báo, đài tổ chức các chuyên trang, chuyên mục “Góp ý vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng”, đánh giá quá trình tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, những kinh nghiệm tốt, những vấn đề cần quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; ý kiến, nguyện vọng của nhân dân với Đảng. Báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước như: 85 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 40 năm Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX... Báo chí tuyên truyền việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; tổ chức tham gia Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Báo chí quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa và thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại. Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng báo chí xa rời tôn chỉ mục đích Tuy nhiên, trong năm 2015, tình trạng thông tin sai sự thật tiếp tục diễn ra, trong đó có nguyên nhân là một số báo tiếp nhận thông tin không chính xác từ đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc từ truyền thông xã hội. Thông tin thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái, xâm phạm đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân. Nhiều thông tin sai được lây lan bởi các báo, trang tin điện tử tổng hợp đăng lại, gây tác động xấu trong xã hội. Một số chương trình văn nghệ, phim truyện, giải trí thiếu chọn lọc, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của kênh. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chậm được khắc phục. Nội dung thông tin vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, như: hình ảnh phụ nữ hở hang, tin, ảnh về đời tư, chuyện tình của nghệ sỹ, người mẫu, những người nổi tiếng trong và ngoài nước; hành vi tội ác được miêu tả tỉ mỉ, thông tin mê tín dị đoan, chuyện thần bí, không có cơ sở khoa học… vẫn được các ấn phẩm phụ của báo in, báo điện tử và chuyên trang của báo điện tử đăng tải. Nhiều bài viết phản ánh về cái xấu, tiêu cực, mặt trái xã hội chỉ dừng lại ở mức độ đưa tin, không thể hiện quan điểm phê phán, đấu tranh, chỉ ra cái sai; nhiều bài viết đề cập cái xấu, cái tiêu cực nhưng vô hình trung tuyên truyền cho cái xấu, cái tiêu cực. Nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, hình ảnh, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội; một số chương trình phim truyện không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của kênh, tỷ lệ phim nước ngoài được phát sóng trên truyền hình vẫn ở mức cao. Chất lượng một số chương trình chưa chuyên nghiệp, xuất hiện một số biểu hiện thương mại hóa theo hướng tiêu cực, quảng cáo tài trợ chi phối việc sản xuất chương trình và hoạt động của một số đài. Vi phạm về quảng cáo trên báo chí tiếp tục diễn ra, tập trung ở các quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng, quảng bá chất lượng sản phẩm; quảng cáo quá tần suất, thời lượng theo quy định, quảng cáo những hàng hóa không được quảng cáo trong “giờ vàng”. Tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí tiếp tục gia tăng, nhất là đối với báo điện tử. Một số báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn, gây bức xúc trong các cơ quan báo chí. Việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để dọa dẫm, sách nhiễu, vụ lợi đối với tổ chức, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp vẫn diễn ra. Một số phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật, bị xử lý./.