Chuẩn mực quan trọng nhất của nghề báo là sự liêm chính

Thứ bảy - 16/07/2016 04:12

Chuẩn mực quan trọng nhất của nghề báo là sự liêm chính

Đó là phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016; Triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định đạo đức người làm báo Việt Nam diễn ra sáng nay, ngày 14/7, tại Hà Nội.
/uploads/news/2016_07/20160714-l6.jpg Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh rằng, Luật Báo chí 2016 không chỉ dành riêng cho những người làm báo mà cho mọi công dân của Việt Nam. Bởi Luật này quy định cả quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Phải quán triệt cho công dân nắm bắt được luật, thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình trên báo chí. Bộ trưởng cũng đã chia sẻ rõ hơn về những điểm mới của Luật Báo chí 2016. Những điểm mới của Luật Báo chí 2016 Về kết cấu và bố cục của Luật: Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật Báo chí có 36 điều. Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Kết cấu các chương của Luật Báo chí lần này đã bỏ chương quản lý nhà nước về báo chí, thay đổi kết cấu chương III (Nhiệm vụ quyền hạn của báo chí), chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) của Luật Báo chí 1999 thành chương III (Tổ chức báo chí) và chương IV (Hoạt động báo chí) trong Luật Báo chí mới. Về một số nội dung mới bao gồm: Quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Luật Báo chí lần này đã kết cấu Chương II với 04 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và thành viên của các cơ quan, tổ chức đó. Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật Báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên. Luật Báo chí mới đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí. Về quyền tác nghiệp của báo chí, ngoài những quy định của Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí lần này đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, Luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ. Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí mới này còn bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. /uploads/news/2016_07/20160714-l8.jpg Toàn cảnh Hội nghị Về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí: Luật Báo chí mới quy định mở hơn luật hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, thể hiện tại Điểm c Khoản 2 Điều 21 quy định: nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí. Về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí: Điều 9 Luật Báo chí mới đã quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, trong đó đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật Báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.... Về cải chính và xử lý vi phạm: Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí. Luật Báo chí mới đã pháp điển hóa quy định tại các nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin... Một điểm mới nữa trong Luật lần này quy định cụ thể quyền hạn và nghĩa vụ của Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức người làm báo theo quy định tại Điều 8. Chuẩn mực quan trọng nhất của nghề báo là sự liêm chính Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý, báo chí phải cân nhắc, hạn chế đăng tải thông tin gây hại cho cộng đồng. Mặc dù thông tin đó là sự thật nhưng có nên đưa lên mặt báo hay không là cả một vấn đề cần xem xét thấu đáo. Bộ trưởng dẫn chứng, theo cố nhà báo Hữu Thọ thì người làm báo có đạo đức là phải xem có nên đưa lên báo hay không, có lợi gì, không đưa lên tốt hơn hay đưa lên tốt hơn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thực tế hiện nay có nhiều cơ quan báo chí đăng thông tin có hại, bất chấp đạo đức. Bởi vậy, Hội Nhà báo Việt Nam tích cực tiến hành việc sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là rất cần thiết. Bộ trưởng nêu vấn đề: “Chuẩn mực bao hàm trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo. Bộ quy tắc do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng phải là quy tắc mẹ, đáp ứng chuẩn mực chung của nghề báo và sát thực tế hiện nay. Từ những nguyên tắc nền tảng đó, các cơ quan báo chí phải xây dựng những bộ quy tắc con của mình”. Bộ trưởng dẫn chứng, ví dụ như BBC họ xây dựng bộ quy tắc riêng về biên tập và làm báo, đã chấp nhận là phóng viên của BBC thì phải tuân thủ. Tại sao cơ quan báo chí của ta không làm thế? Và khi xây dựng các bộ quy tắc con (đối với mỗi cơ quan báo chí, tòa soạn báo) ngoài phù hợp quy tắc mẹ phải phù hợp tôn chỉ mục đích đặc thù của từng cơ quan báo chí. /uploads/news/2016_07/20160714-l7.jpg Các đại biểu dự Hội nghị Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Chuẩn mực quan trọng nhất của nghề báo là sự liêm chính (liêm khiết và chính trực). Sự nhũng nhiễu doanh nghiệp khiến họ vừa ghét vừa sợ nhà báo là một thực tế. Cái đó làm khổ những người làm báo chân chính”. “Nhà báo phải gương mẫu chấp hành pháp luật, không được lợi dụng nghề nghiệp để vi phạm pháp luật. Vi phạm pháp luật là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, còn vi phạm đạo đức chưa hẳn là vi phạm pháp luật. Trên thực tế, đạo đức báo chí có nội dung vô cùng phong phú, sinh động, không phải lúc nào cũng là mẫu số chung với pháp luật. Lằn ranh giao thoa không phải lúc nào cũng rõ. Nhà báo phải cân nhắc kỹ xem nên làm gì” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung thảo luận rõ các hành vi xung đột lợi ích về nghề báo và hành vi lạm dụng của phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí; thống nhất nguyên tắc để bổ sung quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong thời đại số. Đồng thời, Bộ trưởng đã đề xuất một số nội dung cụ thể khác cần tập trung thảo luận. Chẳng hạn, vấn đề “đạo văn”, vi phạm bản quyền. Trong thời đại số, vi phạm bản quyền quá nhiều. Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên... thường xuyên kêu bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Hoặc vấn đề trao đổi tranh luận một cách văn minh trên Internet, tránh việc phóng viên, nhà báo dùng lời lẽ thô tục khi tranh luận, bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng. Hoặc vấn đề phóng viên có quyền hối lộ để thu thập thông tin hay không. Theo quy định của Luật Báo chí năm 2016, nhà báo phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp, và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng dù chưa vi phạm pháp luật (vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hành chính, hình sự). Bộ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương cũng cần tích cực tham gia triển khai phổ biến quán triệt các nội dung của Luật Báo chí cho đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, nhà báo và cả người dân. Các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi công dân thực hiện nghiêm Luật Báo chí 2016. Hiện Bộ TT&TT đang tích cực triển khai hoàn thiện một số văn bản hướng dẫn để đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống. Trong đó có xây dựng và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10/2016 hai Nghị định về Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, và Lưu chiểu điện tử; Xây dựng và ban hành 3 thông tư về Quy định trình tự thủ tục việc cấp phép báo in, báo điện tử; Quy định trình tự thủ tục việc cấp phép báo nói, báo hình; Hướng dẫn cấp đổi, cấp lại và thu hồi thẻ nhà báo./.

Tác giả: Xuân Lộc

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây