(ĐCSVN) - Trong kỷ nguyên mới, công nghệ chiếm lĩnh mọi lĩnh vực. Việc phát triển văn hóa đọc đã và đang phải đối mặt với không ít thử thách. Tuy nhiên, nhờ vào những hoạt động khuyến đọc sáng tạo và đổi mới, bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ ngày càng yêu thích sách hơn; qua đó, khẳng định vai trò cũng như sức hấp dẫn của văn hóa đọc trong kỷ nguyên mới.
Ông cha ta đã từng dạy: “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con”, hay “Một kho vàng không bằng một nang sách”. Còn nhà văn nổi tiếng thế giới, đại thi hào Nga M.Gorki đã nói: “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”... Qua đó có thể khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng của sách cũng như văn hóa đọc trong đời sống nhân loại.
Sách không chỉ cho ta kiến thức về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống mà qua những trang sách, thế hệ sau mới có thể hiểu được những gì mà thế hệ trước đã làm, được kế thừa và tiếp tục phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh, hiện đại hơn.
Sách cũng chính là người thầy vĩ đại, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. Mỗi cuốn sách đều thể hiện giá trị nhân văn cao cả, dạy cho chúng ta biết sống, biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Bởi khi viết sách, người viết đã gửi gắm những kinh nghiệm, tâm tư, tình cảm, khát vọng trong cuộc sống và trong mọi mối quan hệ xã hội, để từ đó giúp người đọc hiểu, cảm nhận và thay đổi chính mình.
Ngoài ra, sách còn giúp chúng ta có được những phút giây thư giãn thật thoải mái và hiệu quả, mang lại cho ta những tiếng cười sảng khoái và hữu ích. Những cuốn sách hay còn đưa ra những lời khuyên bổ ích và cách thức vượt qua áp lực, mệt mỏi để sống vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Có lẽ cũng vì thế mà đọc sách là một trong những hoạt động có vai trò quyết định sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách của một cá nhân, một cộng đồng và của toàn xã hội. Việc đọc sách khi đạt đến một chuẩn mực nhất định và chuẩn mực ấy được lan tỏa, phát triển, trở thành phổ biến trong cộng đồng thì khi ấy người ta gọi là “văn hóa đọc”.
Sách cũng chính là người thầy vĩ đại, có tác dụng lớn đối với việc giáo dục nhân cách con người. |
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta lại càng phải đề cao tri thức và nhân cách con người, bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp tới mọi hoạt động cũng như vận động của xã hội.
Tuy nhiên, trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, nhiều người dần rời xa thói quen đọc sách giấy truyền thống mà dần chuyển sang tiếp cận với sách điện tử, sách nói..., nhất là giới trẻ. Vì vậy, để duy trì, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc trong kỷ nguyên mới có lẽ chúng ta cũng phải thay đổi phương thức tiếp cận sách linh hoạt và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Để làm được điều này, theo Bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), các thư viện phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, mô hình phục vụ để thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động chuyển đổi số. Việc triển khai thành công chuyển đổi số trong ngành thư viện, thúc đẩy và phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ là vô cùng cần thiết trong thời đại mới.
Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của bạn đọc, các thư viện phải đổi mới và sáng tạo trong các hoạt động thư viện. |
Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng cũng cho rằng: Khi nhìn thấy một người trẻ sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, đừng vội cho rằng họ chỉ đang chat hay lướt mạng xã hội. Có thể, họ đang đọc bản điện tử của một cuốn sách vừa xuất bản. Đây là môi trường lưu trữ lâu dài, cho phép bạn đọc tìm kiếm tài liệu hoặc đọc sách bất cứ lúc nào cần thiết. Tuy nhiên, song song với việc hiện đại hóa và phát triển văn hóa đọc trên nền tảng số, việc bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa đọc với sách, báo in và tài liệu truyền thống vẫn cần được chú trọng để giữ gìn một nét đẹp văn hóa.
Trong kỷ nguyên mới với sự thống soái của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn tạo nhiều cơ hội cho văn hóa đọc.
Để biến thách thức thành cơ hội, ngành thư viện cũng như xuất bản phải bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số của thời đại nếu không muốn tụt lại phía sau. Chính internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ giúp cho người đọc tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của các thư viện và xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn. Công nghệ nghe nhìn sẽ giúp các tác giả, các nhà xuất bản và các thư viện dễ dàng tiếp cận với bộ sưu tập tài liệu đa phương tiện. Mặt khác việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm với hình thức nghe nhìn sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn. Có thể lấy minh chứng, qua kênh “Cùng bạn đọc sách”, sau khi nghe và xem các mục “Sách hay nên đọc” hay “Đọc sách cùng bạn”, nhiều người đã tìm đọc và mua sách để có thể nghiền ngẫm lâu dài.
Để chủ động trước sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2024.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, số bản sách bình quân năm 2023 tại Việt Nam đã đạt 6,1 bản/người, cao hơn nhiều so với trước đây - khi tỷ lệ đọc chỉ đạt 1,4 đầu sách/ người/năm. Điều này phản ánh sự thay đổi rõ rệt từ việc đổi mới và sáng tạo trong các hoạt động thư viện, qua đó lan tỏa văn hóa đọc. Sự thay đổi này không chỉ đến từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện truyền thống, mà còn nhờ vào việc ứng dụng công nghệ. Hiện nay, nhiều thư viện đã triển khai hệ thống tra cứu hàng nghìn đầu sách điện tử, giúp bạn đọc tiếp cận sách một cách nhanh chóng và tiện lợi. Một số nền tảng cũng cho phép đọc miễn phí theo quy định về bản quyền. Đồng thời, các buổi sinh hoạt chuyên đề và hoạt động “cùng nhau đọc sách” được tổ chức thường xuyên, giúp giới trẻ có cơ hội “truyền lửa” đam mê.
Cùng với đó, việc phát triển hệ thống thư viện hiện đại kết hợp với không gian sáng tạo cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc trong giới trẻ. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã đầu tư vào các không gian đọc sáng tạo, mới nhất là Không gian chia sẻ S.hub. Không chỉ là nơi đọc sách, đây còn là không gian giao lưu, làm việc nhóm và sáng tạo ý tưởng. Những cải tiến này đã giúp thư viện trở nên gần gũi và ngày càng hấp dẫn.
Thay vì ép đọc, các nhà xuất bản cũng cần thay đổi cách thức, nội dung như tận dụng sức hút của công nghệ nghe, nhìn để lôi kéo độc giả, để họ có niềm vui thực sự khi đọc sách. |
Bên cạnh đó, các chương trình và cuộc thi khuyến đọc được tổ chức rộng rãi trên cả nước cũng góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu sách trong giới trẻ. Những sự kiện như Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc… đã thu hút hàng triệu bạn trẻ tham gia mỗi năm, trở thành dịp để giao lưu, chia sẻ và khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Các chiến dịch khuyến khích đọc sách trên mạng xã hội cũng đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức, nhiều bạn trẻ còn tự xây dựng kênh truyền thông để chia sẻ, đánh giá nội dung sách. Mỗi video có thể thu hút hàng triệu lượt xem, giúp lan tỏa tình yêu sách. Điều này đã góp phần tạo dựng một cộng đồng độc giả trẻ năng động và sáng tạo.
Cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Ông bà, cha mẹ chính là những người gần gũi với con, cháu, phải là người dẫn dắt, hình thành cho con trẻ những lối sống, thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.
Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của bạn đọc, các nhà xuất bản và công ty sách cần phải có sự chuyển động mạnh mẽ và toàn diện trong hoạt động xuất bản và kinh doanh của mình. Đặc biệt cần chú trọng, quan tâm công tác thị trường và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, đẩy lùi sách giả, sách lậu, phát hành những tác phẩm có giá trị, mang thông điệp tích cực, giàu tính nhân văn, để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Với sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay, giới trẻ ngày nay dễ dàng bị hấp dẫn bởi các trang mạng xã hội. Bởi vậy thay vì ép đọc, các nhà xuất bản cần thay đổi cách thức, nội dung như tận dụng sức hút của công nghệ nghe, nhìn để lôi kéo độc giả, để họ có niềm vui thực sự khi đọc sách./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn