Chốt trực ở mốc số 0 và "đỉnh đầu" Tả Ló San
Nằm trên trục đường dẫn đến cột mốc số 0 - nơi được coi là "điểm đầu đặt bút vẽ bản đồ Việt Nam" hay "một con gà gáy, 3 nước cùng nghe", tổ công tác thuộc Đồn Biên phòng A Pa Chải ngày ngày thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Nhiệm vụ họ gánh vác là vô cùng quan trọng.
Địa bàn công tác chưa có điện lưới quốc gia, cán bộ chiến sĩ tổ công tác dựa vào hệ thống năng lượng mặt trời để duy trì sinh hoạt cơ bản. Nguồn điện ít ỏi ấy đủ thắp sáng vài bóng đèn và sạc thiết bị liên lạc. Khi trời âm u nhiều ngày không có ánh nắng, công việc của họ khó khăn hơn.
Bên cạnh nhiệm vụ chính là ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo trật tự biên giới, những người lính nơi đây tận dụng diện tích đất trống xung quanh chốt trực để tăng gia sản xuất. Cuộc sống có vẻ còn thiếu thốn nhưng rau xanh, cây ăn quả, chuồng lợn, vườn gà lúc nào cũng có. Những người lính với cuộc sống có phần "tự cung tự cấp" không chỉ cải thiện bữa ăn mà còn gắn kết thêm tình đồng đội. Hình ảnh người lính trong bộ quân phục bạc màu, tay cuốc tay xẻng, vừa làm vừa cười nói là minh chứng sống động cho tinh thần lạc quan và ý chí vượt khó của họ.
Cách tổ công tác mốc 0 A Pa Chải hơn 50km, tại Tả Ló San (xã Sen Thượng) - bản đỉnh đầu trên bản đồ Điện Biên, giáp Trung Quốc, tổ công tác của Đồn Biên phòng Sen Thượng cũng đối mặt với những thử thách tương tự. Nằm trên trục đường dẫn đến các mốc biên giới 15 và 16, tổ công tác này thường xuyên phải di chuyển qua những cung đường hiểm trở, đèo dốc quanh co để thực hiện nhiệm vụ tuần tra.
Là chốt trực nơi biên giới, doanh trại của tổ công tác Tả Ló San cũng chưa có điện lưới quốc gia. Cuộc sống nơi đây gắn liền với sự giản đơn và tự túc. Cán bộ, chiến sĩ sử dụng bếp củi, tận dụng nguồn nước suối, và cũng tự tay trồng rau, nuôi gia súc, thậm chí còn tự cấy lúa. Trong đêm đông lạnh giá, những câu chuyện bên bếp lửa chính là nguồn lực ấm áp nuôi dưỡng tinh thần họ.
Nhiệm vụ và niềm tự hào
Bất kể ngày nắng cháy hay mưa dầm, hè đổ lửa hay đông băng giá, công việc tuần tra biên giới không được phép lơi lỏng, khuyết thiếu. Từ những con đường mòn xuyên rừng, những dốc núi cheo leo, đến các thung sâu khuất bóng người, dấu chân những người lính như in hằn lên từng nền đất mẹ Tổ quốc.
Những chuyến tuần tra không chỉ đảm bảo an ninh trật tự biên giới mà còn là cơ hội để người lính biên phòng gắn kết với đồng bào vùng cao. Họ thường xuyên đến thăm các hộ dân trong khu vực, tuyên truyền pháp luật và hỗ trợ người dân trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Ở A Pa Chải hay Sen Thượng, những người lính biên phòng luôn là điểm tựa vững chắc, giúp đồng bào vượt qua khó khăn.
Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, đời sống thường ngày của cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng có những khoảng lặng đầy nhân văn. Sau mỗi chuyến tuần tra, họ trở về với công việc trồng rau, chăm sóc đàn lợn, hay sửa lại những vật dụng thường ngày. Trong giờ nghỉ, các chiến sĩ thường quây quần bên nhau, chia sẻ câu chuyện gia đình, quê hương, tạo nên sự động viên tinh thần to lớn. Dù địa bàn đóng quân xa xôi bậc nhất, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đơn sơ nhưng họ vẫn duy trì tác phong, nếp sống người lính chính qui, luôn ngăn nắp, gọn gàng và dành thời gian để chăm sóc "vườn rau, ao cá" - nguồn thực phẩm quan trọng đồng thời cũng là "món ăn tinh thần".
Những buổi chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống, người lính biên phòng cùng nhau chơi bóng chuyền, cầu lông, tập thể dục hay trò chuyện. Tiếng cười vang lên giữa núi rừng như xua tan đi những mệt nhọc. Niềm vui của họ đôi khi chỉ là một bữa cơm đạm bạc nhưng đầy đủ rau xanh tự trồng, tốt tươi sau nhiều ngày vun xới.
Cuộc sống nơi biên giới không phải lúc nào cũng dễ dàng. Gian khổ, thiếu thốn và đôi khi là cả hiểm nguy rình rập. Dù ở A Pa Chải hay Sen Thượng, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều truyền thụ, rèn luyện để luôn mang trong mình tinh thần kiên cường, ý chí sắt đá và tình yêu đất nước mãnh liệt. Họ không chỉ là những người bảo vệ biên cương, mà còn là những người con của đồng bào các dân tộc, sống giản dị, gần gũi nhưng đầy trách nhiệm.
Trong gian khó, mỗi người lính biên phòng là một câu chuyện về lòng yêu nước, sự hi sinh và cống hiến thầm lặng. Họ đã, đang và sẽ luôn là biểu tượng cho ý chí vững vàng, bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất của Tổ quốc.
Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12 là dịp để tri ân những người lính đã hi sinh vì đất nước, sự trân trọng dành cho những người đang âm thầm giữ gìn biên cương. Họ chính là những "ngọn đèn" thắp sáng nơi địa đầu, bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân.
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn