Sở Thông tin và Truyền thông: Hiệu quả ở bộ phận một cửa
Bài: Lâm Phong
2021-11-24T20:35:07-05:00
2021-11-24T20:35:07-05:00
http://dic.gov.vn/vi/news/tin-tuc-tong-hop/so-thong-tin-va-truyen-thong-hieu-qua-o-bo-phan-mot-cua-5058.html
/themes/default/images/no_image.gif
DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
http://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 24/11/2021 20:35
DIC - Cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước và là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu lấy mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã đưa một số giải pháp nâng cao năng lực quản trị công; cải thiện hình ảnh của Sở đối với người dân và doanh nghiệp; nhất là việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông (hay còn gọi là Bộ phận một cửa) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Để đạt được những kết quả và sự uy tín như hiện nay, nhiều năm qua ngoài việc triển khai Kế hoạch số 2559/KH-UBND của UBND tỉnh Điện Biên thực hiện Nghị định số 61/2018/ NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên đã thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả hoạt động của Bộ phận một cửa; vận dụng nhiều giải pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo sự hài lòng cho các tổ chức, công dân khi đến giao dịch.
Từ việc xác định rõ hiệu quả của cơ chế một cửa mang lại, Sở đã khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đặc biệt là dịch vụ công mức độ 4. Cùng với đó, Sở cũng tiến hành hành rà soát, kiện toàn phân công chuyên viên, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận một cửa theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện TTHC.
Cũng từ những vụ việc giải quyết thông thoáng, Sở Thông tin và Truyền thông đã giảm được tình trạng cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch phải đi lại nhiều lần; hạn chế được tệ quan liêu, tiêu cực, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính. Sở đã hướng dẫn các cá nhân, tổ chức thực hiện phần mềm đánh giá việc tiếp nhận, giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Cá nhân, tổ chức có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh sau đó nhập mã hồ sơ, mã tiếp nhận hồ sơ hoặc quét mã vạch trên phiếu để đánh giá trực tuyến.
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thời gian qua tại Sở Thông tin và Truyền thông đã cơ bản giải quyết được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến TTHC, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước tại Sở. Đặc biệt là 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận tại Bộ phận một cửa của Sở đều thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. 100% tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân. Thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn; quy chế làm việc và các thủ tục, lệ phí được công khai, minh bạch. Đặc biệt là các tổ chức, công dân có điều kiện tham gia giám sát cán bộ, công chức khi họ thực hiện giải quyết hồ sơ hành chính theo quy trình đã được tỉnh phê duyệt. Mặt khác, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Sở cũng đã góp phần tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức; kỹ năng, nghiệp vụ hành chính, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức của Sở. Từ đó, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Sở vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như: Công chức đầu mối kiểm soát TTHC và công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả đều hoạt động kiêm nhiệm, nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công việc. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên xác định tập trung giải quyết tốt một số giải pháp cơ bản như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Sở; tập trung ưu tiên các nguồn lực cho việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan trong việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền và trách nhiệm phối hợp trong quy trình xử lý TTHC thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; không để xảy ra tình trạng quá hạn khi giải quyết hồ sơ.
Hai là, tiếp tục thực hiện đơn giản hóa TTHC theo thẩm quyền. Đồng thời, niêm yết công khai thời gian làm việc, họ tên, chức danh cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ, đường dây nóng; mở sổ góp ý, hòm thư góp ý,... giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận TTHC. Tăng cường rà soát các TTHC có thời hạn quá dài để đề xuất, lựa chọn các phương án giảm thời gian giải quyết TTHC. Loại bỏ những khâu trung gian, chồng chéo gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức...
Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động và nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, rèn luyện đạo đức công vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ; hình thành sự chuyên nghiệp hóa trong các hoạt động công vụ.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả. Triển khai chấm điểm mức độ hài lòng về sự phục vụ của công chức, viên chức tại cơ quan. Xử lý nghiêm những cá nhân gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân khi thực hiện giải quyết TTHC.
Năm là, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo đủ diện tích và các điều kiện theo quy định nhằm phục vụ tốt cho việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho cán bộ, công chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC./.