Trong 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội ta cùng với toàn dân lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Hiện nay, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đủ sức mạnh BVTQ là tất yếu khách quan. Bởi vậy, ngoài việc chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ tác chiến... thì vấn đề phát triển khoa học-công nghệ quân sự cần phải được đặc biệt coi trọng.
Cuộc Cách mạng quân sự lần thứ sáu phát triển như vũ bão...
Trong thời kỳ mới, công cuộc xây dựng và BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đứng trước những thuận lợi to lớn, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức do tác động tiêu cực từ những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực.
Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn biến rất phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch cấu kết với lực lượng phản động tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng những thủ đoạn và hình thức mới hết sức thâm độc, nguy hiểm.
Trong lĩnh vực quân sự, đã xuất hiện nhiều loại hình chiến tranh mới như chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh phức hợp. Đáng chú ý, trên thế giới, cuộc Cách mạng quân sự lần thứ sáu phát triển nhanh như vũ bão. Trong cuộc Cách mạng quân sự lần thứ sáu, công nghệ cao đã tạo ra thế hệ vũ khí điều khiển chính xác, hay còn được gọi là “vũ khí thông minh”.
Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử văn minh của nhân loại, trí tuệ con người được chuyển giao một phần cho máy móc. Thậm chí, trong một số trường hợp, vũ khí điều khiển chính xác cao có những khả năng vượt xa khả năng của con người, như có thể phát hiện mục tiêu trong đêm tối dày đặc nhờ khả năng cảm biến tín hiệu hồng ngoại, hay phát hiện một tên lửa vừa rời bệ phóng từ cự ly hàng nghìn ki-lô-mét...
Ứng dụng robot vào sản xuất các sản phẩm quân sự ở Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ảnh: PHAN TUẤN |
Vũ khí điều khiển chính xác cao đang làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, khai sinh loại hình chiến tranh công nghệ cao. Trong đó, không gian tác chiến mở rộng sang tất cả các môi trường trên bộ, trên không, trên biển, trên vũ trụ và trong không gian mạng.
Chiến tranh công nghệ cao không phân biệt tiền tuyến và hậu phương; rút ngắn đáng kể thời gian của chiến dịch, thậm chí cả cuộc chiến; thay đổi ranh giới giữa tiến công và phòng ngự; thay đổi căn bản biên chế và tổ chức của quân đội theo hướng tinh gọn và cơ động; tăng khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm; gia tăng gấp bội khả năng sát thương nhờ có độ chính xác cao của các đòn hỏa lực tiến công; tạo khả năng cơ động nhanh cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Cũng cần lưu ý, trong thế kỷ 21, cuộc Cách mạng quân sự lần thứ sáu trở thành một trong những quá trình toàn cầu hóa. Trong đó, toàn cầu hóa công nghệ quân sự đã và đang góp phần đưa các nước đang phát triển và kém phát triển từ trạng thái văn minh nông nghiệp nhanh chóng tiếp cận với nền văn minh công nghiệp và văn minh thông tin. Quá trình toàn cầu hóa công nghệ quân sự đang tạo ra thị trường vũ khí, trang bị (VKTB) toàn cầu và quá trình chuyển giao công nghệ quân sự.
Đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự Việt Nam
Để BVTQ trước những thách thức và nguy cơ đối với an ninh quốc gia, trên cơ sở những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng xác định những định hướng cơ bản về xây dựng sức mạnh quốc phòng đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, những bài học kinh nghiệm mà Quân đội ta thu được trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược trước đây vẫn giữ nguyên giá trị trong điều kiện hiện nay. Đó là, kế thừa truyền thống công nghệ quân sự Việt Nam; kết hợp tính cách mạng và khoa học; tài năng sáng tạo trong cải tiến và cải biên VKTB; khai thác, sử dụng các loại vũ khí hiện đại hiện có trong trang bị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong điều kiện mới; tự lực, tự cường kết hợp với hợp tác quốc tế để nghiên cứu phát triển VKTB mới; kết hợp quốc phòng với kinh tế trong phát triển công nghệ quân sự. Trên cơ sở những bài học đó, công nghệ quân sự Việt Nam đẩy mạnh phát triển theo một số hướng cơ bản.
Thứ nhất, Quân đội ta phải bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất tốt các loại VKTB hiện đại hiện có, vật tư, phụ tùng, linh kiện quý hiếm chưa có khả năng sản xuất trong nước để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, sửa chữa, cải tiến, cải biên và nghiên cứu tăng hạn sử dụng và tăng vòng đời VKTB hiện có. Đây là nhiệm vụ cấp thiết và đặc biệt quan trọng, bởi trong hai cuộc kháng chiến và trong những năm đổi mới, Quân đội ta đã tích lũy được nhiều VKTB tương đối hiện đại và hiện đại.
Đây cũng là vấn đề khoa học-công nghệ phức tạp nhưng cần thiết đối với Quân đội ta. Một số loại VKTB có giá trị lớn như máy bay, tên lửa... có quy định rất nghiêm ngặt về niên hạn sử dụng, về số lần hoạt động, số giờ hoạt động giữa các lần trung tu, đại tu và tổng niên hạn sử dụng. Theo quy định, VKTB hết tổng niên hạn sử dụng sẽ phải hủy bỏ. Do đó, giải pháp tăng hạn sử dụng VKTB cần được thực hiện một cách khoa học.
Thứ hai, Quân đội ta phải tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất VKTB để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta chủ trương độc lập, tự chủ trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP). Bộ Chính trị đã thông qua nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển CNQP của nước ta. Để thực hiện các nghị quyết đó, đã có một số đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng được hoàn thành. Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp vừa được Quốc hội thông qua sẽ được thực hiện để xây dựng và phát triển CNQP, an ninh theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ quân sự. Trong điều kiện hiện nay, hợp tác quốc tế không chỉ dừng lại ở mua sắm vũ khí hiện đại mà còn là hợp tác về tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh phát triển CNQP trong nước. Để đáp ứng yêu cầu này, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để đưa hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trở thành trụ cột quan trọng trong Chiến lược BVTQ và là một trong những kế sách BVTQ từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Thay lời kết
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bằng trí thông minh, sáng tạo và tinh thần đoàn kết, độc lập, tự cường, cha ông ta đã chế tạo nhiều loại vũ khí để đánh giặc, phát huy tối đa thế mạnh của chiến tranh nhân dân. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, chúng ta có đủ điều kiện và ý chí quyết tâm để nâng cao năng lực nội sinh nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Chúng ta tự tin rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra những “ngựa sắt của Thánh Gióng” hay “nỏ thần Liên Châu” trong thời đại mới.
Những tin mới hơn