Quyền và trách nhiệm của mỗi công dân

Thứ hai - 26/05/2025 13:53
ĐBP - Góp ý vào sửa đổi Hiến pháp 2013 là quyền và trách nhiệm của mỗi công dân. Tại Điện Biên, lực lượng công an cơ sở đã chủ động đồng hành cùng người dân trong việc góp ý vào Hiến pháp qua ứng dụng VNeID.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia góp ý vào Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID, Công an phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp cùng chính quyền, tổ dân phố triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa nội dung này đến gần hơn với người dân, đặc biệt thông qua nền tảng công nghệ số - ứng dụng VNeID.

Với đặc thù là địa bàn trung tâm thành phố, dân cư đông, thành phần đa dạng, Công an phường Tân Thanh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công lực lượng theo từng tổ công tác, mỗi tổ do một cán bộ Công an phường làm tổ trưởng. Trước khi xuống cơ sở, lực lượng Công an cùng với bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở thống nhất nội dung, phương pháp tuyên truyền.

Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Công an phường Tân Thanh chia sẻ: Thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đảm bảo người dân được tiếp cận đầy đủ thông tin, được hướng dẫn cụ thể thông qua VNeID. Việc đến tận nhà giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, tạo cảm giác gần gũi và khuyến khích họ mạnh dạn nêu ý kiến. Mỗi góp ý dù nhỏ cũng đều quan trọng, góp phần xây dựng một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân và vì dân.

Trước đây, việc góp ý Hiến pháp thường được hiểu là công việc của các cơ quan chuyên trách nhưng giờ đây, lực lượng Công an đang trở thành cầu nối để người dân thực hiện quyền làm chủ ấy thông qua ứng dụng VNeID.

Ông Vũ Ngọc Kiểm, người dân tổ 3, phường Tân Thanh, cho biết: “Nhờ có cán bộ công an đến tận nơi hướng dẫn, chúng tôi thấy việc góp ý dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Mong rằng qua góp ý, Hiến pháp sẽ ngày càng sát thực tiễn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhân dân, nhất là ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa như Điện Biên”.

Việc triển khai lấy ý kiến góp ý Hiến pháp thông qua VNeID không chỉ là hoạt động chính trị, mà còn thể hiện sự đổi mới trong phương thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng, nền tảng số không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng địa chỉ tiếp nhận. Quan trọng hơn cả, đó là sự cụ thể hóa quyền làm chủ của người dân, khẳng định rằng tiếng nói của nhân dân là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang được đẩy mạnh.

Thông qua hoạt động này, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ” tiếp tục được khẳng định và lan tỏa. Sự đồng hành của lực lượng Công an cơ sở trong công tác chính trị, pháp luật tại địa bàn dân cư đang là một trong những nhân tố then chốt góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là bước cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số trong tương lai.

Nguồn tin: baodienbienphu.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây