DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 22/11/2019 21:43
DIC - Việc ứng dụng chứng thực điện tử, chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước là nhu cầu cần thiết trong các giao dịch trên môi trường mạng, nhằm phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử.
/uploads/news/2019_12/chu-ky-so-hai-linh.jpg Các học viên tham gia lớp tập huấn ứng dụng CNTT tham quan thực tế hạ tầng ứng dụng CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Trần Tuấn). Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Các hệ thống CNTT cơ bản của tỉnh như thư điện tử, cổng thông tin điện tử, quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử liên thông hiện đại đã được sử dụng trong các cơ quan cấp tỉnh, huyện. Cùng với việc vận hành các hệ thống trên, nhu cầu trao đổi, luân chuyển văn bản trong các cơ quan Nhà nước ngày càng tăng. Một vấn đề đặt ra là cần có giải pháp vừa bảo đảm an toàn thông tin, vừa đảm bảo tính chính xác nội dung thông tin được gửi nhận qua mạng. Với công nghệ phát triển như hiện nay, vấn đề này được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó chữ ký số là một trong những giải pháp hiện đại, an toàn, hiệu quả nhất. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Việc triển khai ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản, điều hành tại các đơn vị cơ bản đã vận hành ổn định và đem lại hiệu quả cao trong công việc. Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong trao đổi văn bản điện tử của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 3382/KH-UBND ngày 19/11/2018 về việc triển khai Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019-2020. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch: 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện được cấp chứng thư số chuyên dùng cho tổ chức; cấp chứng thư số chuyên dùng cho lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Sở, ban, ngành tỉnh và các phòng trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố; 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tích hợp chữ ký số vào phần mềm một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với ban cơ yếu Chính phủ tham mưu cấp 630 thiết bị chứng thư số chuyên dùng cho lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Sở, ban, ngành tỉnh và các phòng trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố; tổ chức đào tạo tập huấn sử dụng chứng thư số cho gần 40 CBCC là cán bộ phụ trách CNTT các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố; hiện nay đã có 10 đơn vị tiếp nhận và ứng dụng thành công chữ ký số. Đồng thời, tích cực phối hợp hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh việc triển khai tích hợp chữ ký số đến các vị trí cần thực hiện ký số trên văn bản điện tử tại các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bước đầu tích hợp chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản còn gặp một số khó khăn: Nhiều cơ quan còn lúng túng trong việc ứng dụng chữ ký số, chưa quan tâm đến việc sử dụng chữ ký số đã được cấp và đào tạo sử dụng; một số đơn vị phiên bản nền tảng của phần mềm quản lý văn bản điều hành chưa phù với ứng dụng chữ ký số hiện nay, do hệ thống phần mềm quản lý văn bản trước đây triển khai theo mô hình phân tán, các đơn vị chưa chủ động phối hợp để nâng cấp nền tảng phần mềm quản lý văn bản; một số đơn vị còn sử dụng ứng dụng Microsoft office phiên bản cũ nên không thể tích hợp chữ ký số. Mặt khác hiện nay, một số quy định về công tác văn thư, lưu trữ còn chưa phù hợp với việc sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số. Chưa có quy định công tác quản lý và lưu trữ văn bản điện tử áp dụng chữ ký số, để các loại tài liệu, văn bản hành chính đã được xác thực bằng chữ ký số và gửi qua mạng thì không phải gửi thêm văn bản giấy. Để ứng dụng hiệu quả chữ ký số trong cơ quan Nhà nước và các ứng dụng phần mềm như phần mềm một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chữ ký số; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định, quy trình ứng dụng và triển khai chữ ký số cho các đơn vị trong hệ thống chính trị; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong trong công tác như văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu, sử dụng văn bản điện tử nhằm đề xuất nhằm tạo cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị; nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT đảm bảo việc ứng dụng phục vụ triển khai ứng dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; phối hợp, hỗ trợ đào tạo nhân lực để triển khai ứng dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số"./.