Phòng chống dịch bệnh Covid -19: Ứng dụng CNTT đóng vai trò quan trọng

Thứ sáu - 01/05/2020 03:17

Phòng chống dịch bệnh Covid -19: Ứng dụng CNTT đóng vai trò quan trọng

DIC - Nhằm chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành, tác nghiệp, truyền thông, y tế, giáo dục, thanh toán trực tuyến…Qua đó, không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, mà còn đảm bảo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
/uploads/news/2020_07/04.jpg Cán bộ văn phòng huyện Điện Biên Đông hướng dẫn cán bộ bộ phận một cửa xã Mường Luân ứng dụng CNTT trong xử lý văn bản, công việc. Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 1/4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 963/KH-UBND về việc tổ chức hội họp và làm việc trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mục đích nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong việc tổ chức các cuộc họp và làm việc trực tuyến, qua đó nhằm hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV2 trong các cơ quan Nhà nước; đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị được duy trì, ổn định thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2020. Thông qua các ứng dụng CNTT giúp cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận phương thức làm việc mới, giảm chi phí, thời gian và mang lại hiệu quả cao góp phần phòng, chống dịch Covid-19. /uploads/news/2020_07/05.jpg Phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 4/2020 của UBND tỉnh được tổ chức tại 3 điểm cầu nhằm hạn chế đông người, phòng chống dịch Covid-19. Căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh đã phân loại các tình huống để áp dụng triển khai hội họp, làm việc trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã. Theo đó, các hội nghị, cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì, UBND tỉnh có văn bản thông báo gửi trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thông báo trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh về thành phần, thời gian tham dự. Thành viên dự hội nghị, dự họp sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến để tham gia tại các điểm cầu. Các hội nghị, cuộc họp do các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tổ chức: Các đơn vị, địa phương có giấy mời gửi đến các cơ quan, đơn vị qua hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành. Các cơ quan, đơn vị cử người tham dự và đăng nhập vào hệ thống họp trực tuyến theo Giấy mời của cơ quan chủ trì. Đối với việc thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà: Cán bộ, công chức tăng cường làm việc ở nhà qua môi trường mạng, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Ngay sau khi kế hoạch có hiệu lực, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã bố trí cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng CNTT làm việc tại nhà. Các cuộc họp đã được chuyển sang hình thức trực tuyến để phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng hướng dẫn. Điển hình, kể từ ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh với các địa phương được điều hành thông qua hệ thống trực tuyến. Thay vì phải triệu tập đầy đủ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đến tận nơi như trước đây, thì nay lãnh đạo tỉnh và các thành viên ban chỉ đạo có thể nắm bắt tình hình, trao đổi, thống nhất công việc qua màn hình được kết nối intetnet trực tiếp với các địa phương trong tỉnh. Tài liệu cuộc họp đều được chuyển trước thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành; số người tham dự cuộc họp tại 1 địa điểm giảm ít nhất có thể, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, song vẫn duy trì hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Hình thức làm việc trực tuyến này cũng đang được các cơ quan, đơn vị tích cực áp dụng nhằm đảm bảo không gây đình trệ công việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Điện Biên Đông là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT để làm việc tại nhà, nhằm phòng chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Tăng, Chánh văn phòng huyện Điện Biên Đông cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh, huyện Điện Biên Đông đã cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ứng dụng CNTT làm việc tại nhà đối với các nội dung không cần thiết. Chỉ đến cơ quan khi có việc làm cần thiết, cấp bách, nội dung phụ trách khi không thể vắng mặt. Để đảm bảo điều kiện làm việc từ xa, huyện đã triển khai cài đặt một số ứng dụng, phần mềm quản lý, làm việc trực tuyến, như: Zalo, eOffice, email… Quá trình làm việc tại nhà, chỉ cần truy cập vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành là có thể nắm bắt được công tác chỉ đạo của huyện và các văn bản chỉ đạo khác để triển khai thực hiện nên rất hiệu quả. Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh đã tích cực ứng dụng CNTT trong truyền thông phòng, chống dịch như sử dụng tin nhắn, bảng thông tin, hệ thống thông tin điện tử (báo điện tử, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội) để người dân có thể chủ động tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm hạn chế việc trực tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa bằng việc tăng cường sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, toàn tỉnh có 3.785 tài khoản kết nối, quan tâm Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; thông báo tình trạng giải quyết hồ sơ trên mạng xã hội Zalo, gửi tin nhắn qua Zalo… Qua đó, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã biết đến và thực hiện gửi, nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Để giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho tỉnh triển khai hệ thống quản lý điều hành điện tử thống nhất trong các cơ quan Nhà nước; hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT đảm bảo phù hợp với định hướng chung của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành bảo đảm các điều kiện về kỹ thuật, đường truyền để duy trì hệ thống thông tin truyền thông của tỉnh hoạt động liên tục, ổn định và an toàn phục vụ tốt nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thì việc làm việc tại nhà thông qua nền tảng CNTT được đánh giá cao, mang lại hiệu quả tích cực vừa có thể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, đồng thời vẫn đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả công việc của các cơ quan, đơn vị và phục vụ đời sống hằng ngày của mỗi người dân.

Tác giả: Bài, ảnh: Quốc Huy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây