Báo cáo tình hình triển khai CĐS đến tháng 4/2024 nêu rõ: Trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS. Trong đó, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định, 2 Chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thúc đẩy CĐS quốc gia. Đến nay, đã có 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch CĐS năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp CĐS trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Đến hết quý I/2024 đã có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ 77% (tăng 11% so với năm 2023). Cùng với đó, các cơ quan Nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội.
Qua thống kê, hiện cả nước có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng; 100% xã kết nối Internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Tuy nhiên, tính đến tháng 3/2024, toàn quốc vẫn còn 1.077 thôn, bản chưa có sóng băng rộng di động (vùng lõm sóng). Trong đó, 838 thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn; 181 thôn, bản chưa có điện lưới.
Về phát triển kinh tế số, theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91% và 14,26%; năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Báo cáo của EconomySEA của Google, Temasek và Bain đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Với mức tăng trưởng trên, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.
Đối với tỉnh Điện Biên, trong quý 1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm cài đặt “Ứng dụng Điện Biên Smart” và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tổ chức Lễ ra quân, phát động cao điểm cài đặt Ứng dụng Điện Biên Smart và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Điện Biên năm 2024 thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 910 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trong đó có 811 vị trí có phủ sóng 3G, 820 vị trí có phủ sóng 4G. Sóng thông tin di động (3G, 4G) phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 96% khu vực có dân cư sinh sống. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,5% thôn bản. Toàn tỉnh có 180 điểm phục vụ; 115 điểm Bưu điện văn hóa xã, 67/115 (tỷ lệ 58%) điểm kết nối internet công cộng. Bán kính phục vụ bình quân đạt 4,12km/điểm; số dân phục vụ bình quân đạt 3.598 người/điểm. 100% xã có điểm phục vụ bưu chính đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; gần 80% hộ gia đình đã được thông báo địa chỉ số...
Phiên họp đã tập trung đánh giá tình hình, nêu bật những thành tựu, kết quả và những hạn chế, điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi số 4 tháng năm 2024; đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác CĐS. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS đã đề ra trong Kế hoạch CĐS năm 2024. Trong đó, tập trung vào “3 tăng cường”: Tăng cường nhận thức vai trò của CĐS đối với từng người dân, doanh nghiệp; tăng cường tiềm lực cho CĐS xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí; tăng cường hợp tác công tư, và “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế chính sách; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo lập nghiệp trong CĐS; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; đẩy mạnh an ninh an toàn mạng thông tin từ sớm từ xa ngay từ cơ sở.
Tác giả: Tin, ảnh: Lan Phương
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn