Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Chủ nhật - 01/12/2024 22:50
ĐBP - Quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo hiện nay là thời điểm, thời cơ thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tổ chức sáng 1/12. Ảnh: TTXVN

Việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi liên quan trước hết tới con người, vị trí việc làm, công tác cán bộ. Thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; thực hiện cắt giảm những vị trí không cần thiết, làm việc kém hiệu quả. Đây là mục tiêu không đơn giản bởi khi thực hiện sẽ ảnh hưởng lợi ích cá nhân, tập thể. Không ít cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vẫn nương nhờ danh xưng “cán bộ nhà nước”, đi làm theo kiểu “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, hiệu quả công việc không cao. Thực tế qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa đạt mục tiêu đề ra. Từ kinh nghiệm rút ra khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW cần có “liều thuốc đủ mạnh” khắc phục những hạn chế, cần quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp phù hợp. Hiện nay, Trung ương đã có những tháo gỡ về cơ chế, chủ trương để các bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc nghiên cứu, xây dựng phương án tinh gọn bộ máy.

Đây là thời điểm không thể chậm trễ trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và Trung ương đã chỉ đạo trong tháng 12/2024 bộ, ngành phải hoàn thành tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình; báo cáo Trung ương phương án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy trong quý I/2025. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ. Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án kiện toàn, sắp xếp phù hợp với thực tế ngành, địa phương.

Tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ khó nhưng không thể không làm; là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và từng cán bộ, đảng viên. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, phải có “liều thuốc đủ mạnh” để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, “hành dân”, “hành doanh nghiệp”, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…

Thời gian tinh gọn bộ máy rất gấp rút song việc triển khai thực hiện phải thận trọng, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, tham khảo ý kiến chuyên gia và cả kinh nghiệm của nước ngoài để đề xuất phương án tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu quả nhất. Mục tiêu cao nhất của tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đó là tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị, phải thật sự hiệu quả, chất lượng. Do đó, việc giảm số lượng người làm trong hệ thống chính trị không thuần túy là giảm cơ học mà sắp xếp, đề xuất phương án sử dụng tối ưu từng vị trí công tác theo hướng tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bước đầu, Trung ương đề xuất phương án sáp nhập, sắp xếp một số bộ, ngành tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nghiên cứu đề xuất phương án theo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Thực hiện hiệu quả chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công...

Từ những phân tích trên cho thấy, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết. Để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hiệu quả, mỗi cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.

Khi cả hệ thống chính trị trên dưới đồng lòng, đồng thuận thực hiện chủ trương, nghị quyết thì sẽ đạt mục tiêu tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nguồn tin: www.baodienbienphu.com.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây